Lúa đã được cấy ngay ở dưới chân Hà Nội. Không chỉ có lúa thôi mà
còn ngô, còn khoai, còn rau đậu nữa. Những bắp ngô non, bột sánh như
sữa, thành phố đã nấu một thứ chè thơm ngon vô cùng để ăn giải lao những
buổi trưa ngấy cơm. Hay đã sợ của ngọt quá, thành phố không nấu chè thì
đem luộc nguyên cả bắp lấy nước uống, thứ nước vàng trong trông như
nước sâm vậy. Và lại còn khoai, những miếng tráng miệng sau bữa cơm,
hỏi một ai kia đã có thể làm đất phải bật những thức đó như một phù phép
tuyệt diệu:
"Tăng gia sản xuất"
"Tấc đất, tấc vàng"
"Tay ta bới đất, ta cứu lấy ta".
Một buổi sáng tôi sang hẳn bên kia con sông Hồng Hà để xem trên
những mặt đất tàn phá lúa còn mọc lên thế nào với mồ hôi của dân quê.
Sương vẫn còn chập chờn. Hơi đêm vẫn còn lành lạnh. Nhưng, trước
những làn gió ù ù, tôi thấy không chỉ tôi mà mọi người đều không có chút
gì co ro rét mướt cả. Những vang động không ồn ào từ đằng xa hửng nắng
đi đến cứ một phút một dồn dập. Những gánh hàng kĩu kịt và những bước
chân thình thịch chuyển hẳn cầu. Lại còn những xe bò inh inh, những vó
ngựa cồm cộp và những tiếng người kéo xe hự hự. Toàn những ngô, khoai,
bắp cải, rau, cà chua, cá tôm, ốc đưa sang từng lớp, từng lớp không ngớt
với những đoàn xe bò nhởn nhơ đầy ụ những gạo.
Quang cảnh này khiến tôi sực nhớ đến cái quang cảnh năm ngoái,
ngày cái chính phủ bù nhìn của Nhật trịnh trọng tuyên bố cái nghị định tóm
tắt như sau trên khắp mặt báo:
"Việc chuyên chở mua bán thóc gạo được hoàn toàn tự do trong khắp
xứ Bắc Kỳ. Dân chúng và những hàng xáo được phép mỗi người sáu mươi
cân và bằng gánh".