cho đến ngày Tổng khởi nghĩa. Chí đã được đoàn thể thanh niên ở đấy xin
cho làm mấy mẫu ruộng, nhưng sau khi nổ tiếng súng toàn quốc, Chí
nhường lại cho một người bạn, gia nhập bộ đội địa phương huyện. Năm
ngoái, phong trào đỡ đầu bộ đội lên cao, hầu hết các anh em của đơn vị Chí
đều có bố nuôi, mẹ nuôi, nhà thì ở ngay trong vùng tạm chiếm, nhà làm ăn
ở ngoài vùng tự do. Riêng Chí và một anh nữa chưa có. Chưa có không
phải vì không có. Mà vì ngượng. Cả hai người cùng cảnh mồ côi như nhau,
không vợ con gì cả, giờ bỗng chốc đi về một nhà đủ cả ông bà, chú bác, bố,
mẹ, anh em rồi ăn giỗ ăn tết, và được các bà cô, các chị gái sắm sửa lo cho
cả từ cái khăn mặt, cái quần đùi, đôi dép, lọ dầu bạc hà, ống ký ninh, hai
anh thấy thế nào ấy...
Từ ngày bị bắt, nhiều lúc chợp chờn Chí đã nghĩ đến dân chúng ngoài
kia. Ngoài kia có những ông cụ, bà cụ, ốm yếu, chậm chạp nhưng rất vững
vàng, cam đảm. Có những vợ chồng nhà đông con rất nghèo mà vẫn thổi
hàng nồi cơm nắm cho bộ đội. Có những người con gái xấu xí mò cua bắt
ốc rất vất vả nhưng chết thì chết không bao giờ chịu gồng gánh cho Pháp,
rồi lại còn ủng hộ bộ đội, ủng hộ đoàn thể cứ tiền trăm. Những lúc nghĩ đến
đồng bào dân chúng che chở, giúp đỡ, quây quần lấy mình và cùng mình
chiến đấu với giặc ấy, Chí nhớ tiếc như nung như nấu cả ruột gan. Cái cảnh
nhà bố mẹ nuôi người bạn hôm Chí đến ăn giỗ thật là một cảnh tưng bừng.
Những người con gái ríu rít gọi người bạn Chí nào bằng chú, bằng
anh, bằng em ấy thật là quý như ruột thịt của chính Chí vậy. Và mấy hôm
nay thì Chí thấy thật gia đình Giang là gia đình mình rồi. Vì thế mà Chí lo.
Chí lo cho tương lai nhà Giang.
Nhà Giang không cày cấy gì cả. Dạo này thóc lúa ở các vùng dưới bị
giặc đốt phá, cướp bóc thật tàn hại, rồi phần vì nhân công khan hiếm, gạo
giá mỗi ngày một cao, như thế nhà Giang làm sao mà đủ ăn. Làm bún bánh,
thổi xôi nấu chè, bán chuối, bán kẹo... Mẹ Giang có chịu khó và có được lãi
đến đâu cũng chỉ là trợ thời. Còn bố Giang đi rừng lấy củi buổi đực buổi