còn ủng hộ việc lập ra một trật tự ưu tiên rõ ràng nhằm thoát khỏi sự trói
buộc của những sự kiện thường nhật mà, dù rất cấp bách, có thể chẳng quan
trọng đến thế.
Quản lý thời gian ngầm giả định rằng chúng ta biết rõ sử dụng thời gian
thế nào thì có hiệu quả, thế nào thì không hiệu quả. Nếu Nguyên lý 80/20 là
đúng thì đấy không phải là một giả định an toàn. Dù sao đi nữa, nếu chúng
ta biết cái gì là quan trọng thì chúng ta đã thực hiện rồi.
Quản lý thời gian thường khuyên con người nên phân loại các việc cần
làm theo trình tự ưu tiên A, B, C và D. Trên thực tế, cuối cùng rồi hầu hết
mọi người phân 60-70% những hoạt động của mình vào nhóm A hoặc B.
Thế là họ kết luận rằng cái họ thực sự đang thiếu là thời gian. Đó là lý do vì
sao ngay từ lúc đầu họ lại quan tâm đến việc quản lý thời gian. Thế là cuối
cùng họ lập ra kế hoạch tốt hơn, làm việc nhiều giờ hơn, nghiêm chỉnh hơn
và thường gặp phải thất vọng não nề hơn. Họ trở nên “nghiện” quản lý thời
gian, song điều đó lại không thay đổi tận gốc những gì họ làm hoặc chẳng
làm giảm đi đáng kể mức độ mặc cảm tội lỗi là mình vẫn chưa bỏ ra đủ
công sức cho công việc. Chính cái tên gọi quản lý thời gian đã nói lên bản
chất của nó. Nó hàm ý rằng thời gian có thể quản lý sao cho có hiệu quả
hơn, rằng thời gian là một tài nguyên quý báo và khan hiếm, và rằng chúng
ta phải chạy theo thời gian. Chúng ta phải biết tiết kiệm thời gian. Chỉ cần
cho nó một chút cơ hội là nó vụt bỏ chúng ta mà ra đi. Thời gian mất đi rồi,
theo lời những kẻ rêu rao quản lý thời gian, không bao giờ có lại được.
Chúng ta hiện đang sống trong một thời đại bận rộn. Cái thời kỳ nhàn
rỗi mà từ lâu người ta đã tiên đoán còn lâu mới có được, ngoại trừ đối với
những người thất nghiệp. Hiện chúng ta đang gặp phải một tình huống lố
bịch mà Charles Handy nêu ra là lượng thời gian làm việc của những nhà
điều hành đang tăng lên – mỗi tuần 60 giờ là chuyện chẳng có gì lạ – nhưng
đồng thời tình trạng thiếu việc làm thì lại ngày càng thêm trầm trọng.
Xã hội được phân ra thành hai nhóm: nhóm những người có tiền nhưng
không có thời gian để hưởng thụ, và nhóm người có thời gian nhưng lại
không có tiền. Sự ưa chuộng quản lý thời gian luôn song tồn với một nỗi lo