Điều này cũng phù hợp với ý tưởng xuyên suốt cuốn sách này, rằng mối
quan hệ 80/20 hàm ẩn sự lãng phí và cơ hội lớn để cải thiện cuộc sống.
Nhưng, điều quan trọng hơn là, nó cho thấy rằng Nguyên lý 80/20 có thể
giúp chúng ta trở nên hạnh phúc hơn.
Hai cách để được hạnh phúc hơn
Xác định những khoảng thời gian mà bạn cảm thấy hạnh phúc nhất và kéo
dài tối đa những khoảnh khắc ấy.
Xác định những khoảng thời gian mà bạn cảm thấy ít hạnh phúc nhất; và
hãy thu ngắn tối đa những khoảnh khắc ấy.
Hãy dành nhiều thời gian hơn vào loại hoạt động rất hữu hiệu trong việc
làm cho bạn hạnh phúc và dành ít thời gian hơn cho những hoạt động còn
lại. Hãy bắt đầu bằng việc cắt giảm những nốt “trầm” bất hạnh, những thứ
có khuynh hướng chủ động mang những điều không vui đến với bạn. Cách
tốt nhất để bắt đầu trở nên hạnh phúc hơn là hãy chấm dứt tâm trạng bất
hạnh. Bạn có thể hạn chế được tâm trạng bất hạnh nhiều hơn là bạn tưởng,
đơn giản bằng cách tránh những tình huống mà kinh nghiệm cho thấy có thể
làm bạn trở nên đau khổ.
Đối với những hoạt động không giúp cho bạn có được hạnh phúc (hoặc
dễ làm bạn cảm thấy không hạnh phúc), hãy suy nghĩ một cách có hệ thống
về những cách thức mà bạn có thể tìm được niềm vui nhiều hơn từ những
hoạt động này. Nếu làm được thế thì tốt. Bằng không, bạn hãy nghĩ cách để
tránh rơi vào những tình huống này.
Nhưng, phải chăng con người bất lực khi đương
đầu với bất hạnh?
Đặc biệt nếu bạn có biết qua những người thường xuyên cảm thấy
không hạnh phúc (và thường bị gán vào loại người “mắc bệnh tinh thần”,
một danh từ nghe có vẻ khách quan nhưng lại cực kỳ mơ hồ và không chút
hữu ích gì, và có lẽ mang đến nhiều bất hạnh cho thế giới này hơn hầu hết
những danh từ nào khác), bạn có thể phản biện rằng phân tích này quá đơn