hình cho những thị trường không giới hạn, có thể nói đã tạo nên một quy
luật 80/1, một minh chứng rất rõ cho nguyên lý về sự mất cân bằng.
Vấn đề còn kỳ thú hơn nữa là câu hỏi tại sao. Xem ra những người đi xem
phim cũng hành xử giống như những hạt khí đang chuyển động hỗn độn.
Như đã được xác định qua thuyết hỗn độn, những hạt khí, những quả bóng
bàn, hay những người đi xem phim, tất cả đều “hành xử” không theo một
trình tự hay quy luật nào, nhưng đều tạo ra một kết quả không cân bằng có
thể thấy trước được. Những lời đồn thổi, từ những bài điểm phim hay khán
giả đầu tiên, quyết định nhóm khán giả thứ hai sẽ đông đúc hay lèo tèo, và
số này lại quyết định nhóm kế tiếp, và cứ thế. Những cuốn phim như Ngày
độc lập (Independence Day) hoặc Điệp vụ bất khả thi (Mission Impossible)
tiếp tục được chiếu trong những rạp phim đông nghẹt khán giả, trong khi
những phim kinh phí đắt đỏ và nhiều sao, như Thế giới nước (Waterworld)
hay Ánh sáng ban ngày (Daylight), lại nhanh chóng chỉ còn lại một số
lượng nhỏ nhoi khán giả, rồi sau đó thì chẳng còn ai đến xem nữa. Đây là
trường hợp mà trong đó Nguyên lý 80/20 vận hành tối đa công suất của
mình.
Hướng dẫn sử dụng cuốn sách này
Chương 2 giải thích tại sao bạn có thể áp dụng Nguyên lý 80/20 vào
thực tế và bàn đến sự phân biệt giữa phương pháp Phân tích 80/20 và lối Tư
duy 80/20, cả hai đều là những phương pháp suy ra từ Nguyên lý 80/20.
Phân tích 80/20 là một phương pháp, có tính định lượng để so sánh nguyên
nhân và kết quả. Tư duy 80/20 là một qui trình mở hơn, ít chính xác hơn, và
cảm tính hơn, bao gồm những mô hình và thói quen trí tuệ cho phép chúng
ta đưa ra giả thuyết về những gì là nguyên nhân quan trọng của bất cứ thứ
gì quan trọng trong đời sống của chúng ta, xác định những nguyên nhân ấy,
và tạo nên những cải thiện rõ nét trong vị thế của chúng ta bằng cách tái
triển khai và bố trí những nguồn lực của mình một cách phù hợp.