chăn nuôi sinh lợi thêm nữa. Còn rất nhiều cách làm hay khác không thể kể
hết.
° ° °
Tám điều trên đây, trích trong bài Tế cấp luận, đều là những việc cần
phải làm trước hết đối với tình thế nước ta. Còn về thế tung hoành sẽ có
một tập khác suy diễn rộng rãi hơn, ở đây không thể nói rõ hết được. Trong
tập này cũng có một vài điều khoản nhỏ mới thêm vào. Cho nên tám điều
này tên tuy cũ nhưng các việc đều mới, phát sinh từ tình thế nước ta hiện
nay. Nếu làm đúng như thế sẽ bằng được như người ta hoặc hơn người ta.
Nếu không làm, nhất định phải thua sút thiên hạ...
Những điều trên đây, khẩn cấp nhất là việc "Chấn chỉnh vũ bị". Bổ
sung vào đó là việc "Dẹp trừ tệ đoan, gây tài chánh". Việc "Chỉnh đốn học
thuật" là cái gốc lớn của quốc gia. Còn "Kiểm tra số đinh", "Kiểm tra điền
thổ", "Sửa sang cương giới" là những việc cần gấp để làm cho nước mạnh.
Tôi chỉ nêu lên lý lẽ và đề ra những nét đại cương mà thôi. Còn việc thực
thi phải châm chước như thế nào cho thỏa đáng là quyền của Triều đình.
Nguyễn Trường Tộ ký
IV) Thời gian từ khi đi Pháp về tới khi qua đời, tức từ đầu năm 1868
đến ngày 22.11.1871 nghĩa là gần bốn năm, Nguyễn Trường Tộ đã dâng lên
triều đình Huế 31 bản điều trần. Đây là lúc tổ quốc lâm nguy tột bậc: Pháp
đã chiếm hết sáu tỉnh Nam Kỳ và còn mưu tính xâm lăng toàn cõi Đông
Dương - mà Đông Dương đương thời thuộc quyền chi phối của Việt Nam.
Lúc này cũng là thời gian Nguyễn Trường Tộ có mức tin cậy nhất đối với
triều đình và cả Tự Đức. Cho nên ông đã dâng được nhiều điều trần. Tiêu
đề của những điều trần ấy cũng tạm đủ cho ta thấy ông đã thổ lộ tâm can
thiết tha cùng với những giải pháp cứu nguy và canh tân đất nước. Ba mươi
mốt điều trần đó là
:
Biểu tạ ơn vua (3.1868). - Tổ chức ngay việc khai mỏ đào tạo chuyên
viên (5.3.1868). - Mục đích của sứ bộ đi Pháp (9.3.1868). - Việc lập sứ
quán, cử phái bộ (12.3.1868). - Về việc tổ chức cho sứ bộ đi Pháp
(12.3.1868). - Về việc gởi người sang Pháp học (13.3.1868). - Trả lời các