đó, có cơ hội gì, lần lượt tâu về. Vua nghĩ Trường Tộ tâu về việc quân quốc
hệ trọng, cho triệu về kinh để hỏi. (Trường Tộ trước đã sang Tây du học lâu
ngày)"
Sử Thực lục chỉ ghi ba sự kiện kể là quan trọng như trên, rút từ kho
lưu trữ Châu bản cực kỳ phong phú. Tiếc rằng sau năm 1945, các văn kiện
Châu bản bị mất mát nhiều. Trong số mất có nhiều bản điều trần của
Nguyễn Trường Tộ. May nhờ học giả Đào Duy Anh thâu gom tìm kiếm
được một số đáng kể. Rồi Nam Phong phiên dịch được vài bản rất sớm.
Sau là sử gia Chương Thâu giới thiệu khá tổng quát những bản điều trần
gom góp được và cuối cùng là Linh mục Trương Bá Cần soạn thảo chú giải
những điểm cần thiết toàn bộ 58 bản điều trần - cũng gọi là di thảo của
Nguyễn Trường Tộ trong một tác phẩm kỳ công đứng đắn. Chúng tôi xin
mạn phép chỉ đưa ra một ít bản điều trần có thể nói là tiêu biểu cho tinh
thần Nguyễn Trường Tộ - tấm gương sáng ngời của người Công giáo tốt
cũng là công dân tốt mà thôi. Tất nhiên từ mỗi bài chúng tôi cũng cố trình
bày bối cảnh đương thời để hiểu được tầm nhìn sáng suốt và khoáng đạt
của Nguyễn Trường Tộ. Sau đây là Di thảo số 13 mệnh danh Ngôi vua là
quý, chức quan là trọng - điều trần đệ đạt lên triều đình vào tháng 5 năm
1866
"Kính thưa,
Trong bài Khai hoang từ trước đây, ở điều thứ hai tôi có nói: Người
Pháp xưa nay lấy ngôi vua làm quý, chức quan làm trọng. Trong phần cuối
điều đó cũng nói: Vua các nước thường giao việc nước cho các quan đại
thần để chu du các nước, mở rộng kiến văn, mà không phải bận tâm việc
trong nước nữa. Vì việc yên trị lâu dài là do liên kết giao thiệp với các
nước, khác với thời xưa chỉ biết lấy bùn trét cửa để tự giữ là thế... Trong
bài ấy, có 5 điều, nhưng điều này là căn bản. Các việc phúc lợi trong nước
đều do đó mà ra.
Tôi sở dĩ khinh bỏ danh lợi cốt để Triều đình tin nghe, vì thâm ý của
tôi là đi sang các nước xem nắm tình hình, không những nôn nóng để
chứng tỏ mình là người không có hại, có thể làm được những việc chính