- Thế thì vẫn chưa đi hết khúc bụng con sông Cái cõi ta.
Các ngọn lũ đổ về, chỗ bồi lên chỗ trũng xuống. Lũ chảy xiết, lũ chảy hoãm
ngoạm vào mãi xa kia, chèo ngang mấy ngày cũng chỉ thấy trời nắng, mặt
nước nổi bọt như hoa nước nở. Mỗi độ nước lớn, con sông lại to rộng hơn,
mở ra ngổn ngang đầm hồ, rong tôm, rong lông gà, rong mái chèo như mạng
chăng mặt nước. Chưa đi qua được bụng sông Cái thật.
Ra khỏi cái bãi lầy nối đến vùng đồng không. Phong tục ở bãi làm khoai
nhiều hơn cắm cây lúa. Người bãi ngang vừa kiếm ăn trên nước vừa trồng
khoai. Xuôi xuống nữa, gặp người nước đáy mới thuần nghề sông nước.
Người miền cửa thì lưu lạc khắp cửa sông. Ở nơi nước trong nước lợ quấn
quýt nhau, cá không ăn một chỗ, người cũng phải theo cá. Đấy mới là ra đến
khúc xa nhất sông Cái.
Trời rộng sông dài, biết thế nào cùng.
Nàng Dong im lặng, chăm chú. Mỗi lời Chử nói, làm cho nét mặt nàng
Dong càng như rạng rỡ.
Chử khoát tay ra cửa khoang:
- Rồi thuyền ta đi vào đằng sau ngấn nước ánh trăng kia, như mình mong
ước.
- Thuyền chúng ta đi...
Chử nói:
- Bố mẹ kể ông bảo rằng người đời hay chiến trận, các cõi đua nhau dụng
công làm thuyền đẽo gỗ tốt bọc da trâu phơi nắng, chẻ tre đan phên đỡ đạn.
Lại tết cỏ bàn kết thành áo lội nước, buộc lông ngỗng như vảy cá để bơi nổi
mình. Riêng người cõi ta xưa rày quen cởi trần không mặc áo trận, chỉ vót
tên, làm nỏ săn con thú con cá, lại kết bè bơi vào bãi sậy tìm tổ ong mật.
Ngày ngày, lấy việc làm ăn xuôi ngược các bến làm vui. Chao ôi, biết thế là
thảnh thơi, mà thiên hạ ít ai nghĩ được thế.
Nàng Dong nói: