phòng trợ với AM bị bắt vì tình nghi, song người này đã phủ nhận hành vi
phạm tội.
Trong lúc mọi nghi vấn đều đổ dồn vào nghi phạm thì một vết xước nhỏ
còn mới ở tay vịn của cây cầu đã tình cờ được phát hiện. Một sợi dây khá
chắc chắn cũng được tìm ra khi nạo vét đáy sông, một đầu dây buộc vào
tảng đá lớn còn đầu kia buộc với khẩu súng, tức là, chủ buôn ngũ cốc AM
đã thả tảng đá từ lan can cầu xuống sông rồi tự bắn vào đầu mình. Khẩu
súng bị kéo rơi xuống sông do sức nặng của tảng đá.
Kết quả điều tra sau đó cho thấy, vì đang bên bờ vực phá sản nên AM đã
tham gia bảo hiểm nhân thọ với số tiền lớn cho gia đình, tuy nhiên sau khi
biết sẽ không được thanh toán bảo hiểm trong trường hợp tự sát, ông ta đã
dùng trò bịp này để dựng lên một vụ giết người.
Vụ án này chẳng khác gì bước ra từ tiểu thuyết trinh thám. Với cảm hứng
từ đó, nhà văn Conan Doyle đã viết thành truyện ngắn nổi tiếng có tên “Bài
toàn cầu Thor” trong Sherlock Holmes toàn tập.
Wakatsuki nhớ lại câu châm ngôn cổ, “Sự thật còn ly kì hơn cả tiểu
thuyết.” Trong thực tế, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
Câu chuyện này được xếp vào loại “Tự sát ngụy trang thành bị giết để
lấy tiền bảo hiểm”. Giả sử đúng là Komoda Shigenori giết hại Kazuya thì
mô típ sẽ là “Giết người ngụy trang thành tự sát để lấy tiền bảo hiểm”, tức
là hoàn toàn ngược lại. Không biết có bao nhiêu vụ án như vậy trong thực
tế.
Anh lật tiếp sách thì thấy có bảng phân loại các phương thức giết người
giả dạng hòng lấy tiền bảo hiểm được thống kê bởi Cục Cảnh sát từ năm
1978 đến năm 1985, dù số liệu thống kê khá cũ.
Theo bảng phân loại thì trong tổng số 68 vụ, đứng số một là “Ngụy trang
thành vụ án bị giết bởi người thứ ba” 25 vụ; tiếp theo là “Ngụy trang thành
tai nạn giao thông” 23 vụ; “Ngụy trang tai nạn tử vong khác” 18 vụ, cụ thể
là bảy vụ giả chết đuối, bốn vụ chết do ngộ độc khí ga, bốn vụ chết cháy do
hỏa hoạn, ba vụ ngã tử vong. Ngoài ra có hai vụ “Ngụy trang chết tự nhiên”
không xác định được thủ đoạn.