lâu dài hơn. Tôi đã thấy nhiều công trình nghệ thuật, nhiều tượng các
Thánh và Đức Mẹ; có một điều gì vượt cao hơn việc sao lại y khuôn một
nhân dáng nào đó đã từng sống trên đời; không phải chỉ riêng có sự kiện
người nghệ sĩ muốn duy trì những hình thể và màu sắc khỏi sự tàn phá của
thời gian.
Đan Thanh hăng say nói lớn:
- Anh đã nói đúng. Tôi không ngờ anh biết về nghệ thuật tường tận
như vậy! Hình ảnh căn để của một nghệ phẩm đẹp không phải là nét mặt
hoặc dáng dấp của một con người đã thực sống, đó mới chỉ là nguồn cảm
hứng để sáng tác. Hình ảnh căn để không phải là phần máu thịt mà là phần
tâm linh. Đó là hình ảnh đã cư trú vĩnh viễn trong tâm hồn người nghệ sĩ.
Tôi cũng vậy, Huyền Minh, những hình ảnh căn để ấy đang sống động
trong tôi và tôi hy vọng một ngày gần đây sẽ biểu lộ để anh nhìn thấy.
-Hay lắm! Và hiện giờ, Đan Thanh yêu mến! Anh đã bước vào lãnh
vực triết học mà anh không ngờ đến, và anh đã diễn đạt một trong những bí
nhiệm nhiệm mầu của triết học.
-Anh đang chế nhạo tôi chăng?
-Ồ! Không. Anh đã nói về “hình ảnh căn để,” một hình ảnh tuy chỉ
hiện hữu trong tâm ý sáng tạo nhưng có thể hiện thực cụ thể để người khác
nhìn thấy được. Và trước khi trở thành hình ảnh ấy đã xuất hiện và tiềm ẩn
từ lâu trong tâm hồn người nghệ sĩ. “Hình ảnh căn để” ấy, quả đúng như
các triết gia đã gọi, đó là “ý niệm.”
-Huyền Minh! Thật tôi không ngờ.
-Anh đã hiểu biết về “ý niệm” và hình ảnh căn bản, tức là anh đang ở
trong môi trường của tâm linh, trong thế giới của các triết gia và các nhà
thần học, và anh đã chấp nhận rằng trong đời sống hỗn tạp, đấu tranh và
đau khổ này, trong vũ khúc bất tận và vô nghĩa của tử thần, trên xác thân
này đã hiện hữu một tâm thức sáng tạo. Anh có biết là tôi luôn luôn hướng
chính tôi về tâm thức ấy và đánh thức nó dậy trong con người anh khi anh
chỉ mới là một cậu bé. Nơi con người anh, tâm thức sáng tạo ấy không phải