Huyền Minh nhìn thẳng vào ánh mắt Đan Thanh. Chàng không những
chỉ thấy bạn mình kiệt sức, tàn tạ và đáng xót thương, mà còn thấy những
điều khác, vẻ an nhiên lạnh lùng cam chịu, gần như siêu thoát của một ông
già hiền từ. Qua kinh nghiệm đọc được tâm hồn trên nét mặt, Huyền Minh
đã thấy một Đan Thanh biến chất khác lạ, không dừng trụ nơi đây, tâm hồn
đã bay xa khỏi thực tại, phiêu lạc vào mộng mơ hoặc đã đến một khung cửa
mở về cõi giới nào khác.
- Anh bị bệnh chăng? Huyền Minh lo lắng hỏi bạn.
- Vâng, tôi đang ốm. Tôi nhuốm bệnh ngay khi khởi hành được vài
ngày. Xin anh hiểu cho tôi là tôi không muốn trở lại một khi đã ra đi. Anh
sẽ cười nhạo tôi nếu tôi trở về quá sớm và cởi mất đôi giày đi xa của tôi.
Không, tôi không muốn như vậy. Tôi lại tiếp tục đi loanh quanh. Tôi cảm
thấy hổ thẹn vì chuyến đi hụt này. Tôi đã đặt quá nhiều hứa hẹn. Vâng tôi
cảm thấy xấu hổ. Chắc chắn anh hiểu điều ấy, anh vốn là người thông minh.
Xin lỗi anh, có phải anh hỏi đến việc ấy? Thật là một tai ương. Tôi cố quên
đi những gì chúng ta đã nói với nhau. Nhứt là về mẹ tôi, anh đã nói đúng.
Tôi rất đau đớn, quá nhiều, nhưng...
Lời thì thào của Đan Thanh tắt dần bằng một nụ cười.
-Chúng tôi sẽ chạy chữa cho anh lành mạnh. Đan Thanh, chúng tôi sẽ
lo cho anh. ước gì anh quay về ngay khi mới ngã bệnh! Thực sự không có
gì để anh phái hổ thẹn với chúng tôi. Phải chi anh trở về ngay.
Đan Thanh bật cười:
- Vâng, bây giờ tôi đã hiểu. Tôi không dám trở về sợ làm trò cười. Bây
giờ thì tôi đã về, tôi cảm thấy an lành.
- Anh có đau lắm không?
- Đau? Có chứ. Tôi đau nhiều. Nhưng trong nỗi đau này vẫn có điều
hay, nhờ vậy mà tôi biết nghĩ đúng. Bây giờ tôi không xấu hổ nữa dù đứng
trước mặt anh. Ngày mà anh đến cứu tôi trong tù, tôi đã cắn răng thật chặt
vì quá hổ thẹn. Nhưng bây giờ thì không thế nữa.