PHÁT TRIỂN TỪNG NHÂN VIÊN VỚI TƯ CÁCH
MỘT CON NGƯỜI
Khi Jack Welch còn làm Tổng Giám đốc General Electric, ông đã
tiến hành những cuộc cắt giảm biên chế lớn. Hàng năm, 10% số
nhân viên làm việc không hiệu quả bị cho thôi việc. Khi đó, việc này bị
những người chống đối chỉ trích gay gắt. Thế nhưng, mục đích
của việc cắt giảm này rất rõ ràng, không có gì nhẫn tâm, mà đó là
cách giúp cải thiện tổ chức.
Giảm biên chế những nhân viên yếu kém, hay tuyển thêm nhân
viên giỏi từ bên ngoài là cách giúp tổ chức phát triển. Nhưng các lãnh
đạo ngày nay đã dần nhận ra đó không phải những phương pháp
tối ưu giúp cải thiện tổ chức. Vài năm trước, tôi đọc một bài báo trên
tờ USA Today cho rằng các ông chủ đã bắt đầu nhìn nhận giá trị
của nhóm nhân viên trung bình trong công ty, những người không
phải siêu sao nhưng cũng không phải là nhân viên kém. Họ được gọi
là những “cầu thủ hạng B”. Bài báo viết:
Khi những ông chủ không bận tâm sa thải những người làm kém,
họ lao vào “săn” những “tay chiến hạng A” từ các đối thủ cạnh
tranh trên thương trường. Nhưng dần dần họ nhận ra, thành bại
không nằm ở những mắt xích yếu nhất hay mạnh nhất mà
chính tại khúc giữa vững chắc – những cầu thủ hạng B… 75%
người lao động làm nên tất cả nhưng thường bị bỏ quên.
Như tác giả bài báo đã viết, những người ở phân khúc giữa chính
là trụ cột của toàn bộ tổ chức, rằng họ cần được đề cao. Tôi đồng
ý với điều này nhưng vẫn tin rằng các lãnh đạo cần đưa khái niệm
đó tiến thêm một bước nữa. Làm thế nào để tạo cho nhóm nhân
viên ở phân khúc giữa một lợi thế, các cầu thủ hạng B có thể chơi ở
phong độ cao nhất còn các tay chiến hạng A lại có thể nâng trận
đấu lên cao hơn nữa. Câu trả lời là bạn phát triển họ.