nào. Hạ thấy được cảnh chị quỳ lạy, bò từ chỗ này sang chỗ khác để xin
từng thằng ăn cướp tha tội chết và được để yên thân. Hạ cũng tưởng tượng
được cảnh chị trần truồng, vừa khóc lóc vừa lấy tay che thân đi trên đường
phố, băng qua các góc đường để tới nhà người quen của chị. Hạ còn nghe
được tiếng cười hô hố của tụi cướp văng vẳng bên tai mà thấy rùng mình.
Hạ nhìn chị rã rượi và kinh hoàng mà cảm thấy thương chị hơn bao giờ hết.
Ái hỏi:
-Vậy chị về lại đây lúc nào?
-Sáng sớm nay. Chị về thấy nhà tang hoang từ trên xuống dưới. Chị
lấy cái xích khóa xe của cậu để xích cửa sắt lại.
Nơm nớp lo sợ, Hạ quay lại nhìn cái khóa xích nơi cánh cửa sắt sau
lưng, rồi nhăn mặt:
- Chị không sợ còn thằng nào nằm trong nhà sao? Sao chị gan quá
vậy?
- Ở nhà người ta lâu chị ngại. Hơn nữa, chị không nỡ bỏ nhà và
tiệm của cậu mợ. Nếu cậu mợ được trở về, bị mất nhà, mất của, thì tội
nghiệp lắm.
Ngưng một lúc chị nói tiếp:
- Nhưng mà chị chỉ nghĩ vậy thôi chứ không hy vọng gì gia đình cậu
mợ trở lại. Tụi Việt Cộng vào thì cũng mất cả thôi. Hai em coi có gì lấy
được thì lấy đi.
Chị đưa hai đứa lên các phòng đến tận lầu thượng. Tất cả mọi
nơi đều lưu lại dấu tích của sự phá hoại, lục lọi và vơ vét của bọn cướp.
Dấu tích tàn phá của trận cướp quá kinh khủng đến độ Ái và Hạ không
muốn lấy một thứ gì. Hạ tự hỏi tại sao trong thành phố biển dễ thương này
lại có những người bỉ ổi như thế. Câu chuyện chị Huế kể hoàn toàn ám ảnh
trong tâm trí Hạ. Hạ có cảm giác sợ và hồi hộp khi đi ngang các phòng và
đạp lên các đồ vật ngổn ngang. Hạ không hiểu chị Huế làm sao mà dọn dẹp
hết cái bừa bộn của căn nhà và làm sao can đảm để tiếp tục ở một mình với
cái cảnh như thế.
Trong lúc chị lượm lặt những thứ tương đối có giá trị như một vài
xấp vải, cây viết, hay cái kẹp tóc,