Cung Thị Lan
Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm
Chương Mười Hai
Bốn người may mắn đón được chiếc xe lam để đi về Thành. Xuống bến xe
Thành, cô Sáu, cô Út, má Hạ và Hạ tiếp tục mướn xe đi về phía Thanh
Minh. Những người lớn than van với nhau về cái giá cắt cổ mà mấy ông tài
xế “chém.” Hạ thì buồn hơn những người này vì chiếc nhẫn vàng tây có
hình trái tim rỗng của Hạ bị rơi mất khi chen chúc trên những chiếc xe đò
và xe lam. Chiếc nhẫn này là vật kỷ niệm của Hạ. Hạ sắm nó với số tiền
dành dụm mà Hạ móc “crochet” những cái khăn trải bàn và khăn màn cửa
gửi cho cô Sáu bán. Hạ muốn nói về chuyện đánh mất chiếc nhẫn và trách
má sao nỡ bỏ nhà đi, nhưng Hạ cảm thấy lười biếng nên im lặng và bước
theo mọi người vào căn nhà có cái sân xi măng rộng và xung quanh có
những khóm hoa trang. Vào đến phòng khách, Hạ vâng lời má chào từng
người trong nhà. Thoạt tiên là bà lão có mái tóc bạc, rồi đến người đàn ông
vạm vỡ có giọng to và vồn vã, rồi người đàn bà có nụ cười hiền lành, rồi
một anh con trai cao lớn, một đứa bé gái và ba đứa con trai nhỏ.
Qua giới thiệu, Hạ biết được người đàn ông vạm vỡ kia là chồng của
dì Tư. Dì Tư là bạn buôn bán với má Hạ. Ông bà có năm người con. Bốn
người con trai và duy nhất một cô gái út. Bà lão là mẹ của ông dượng Tư.
Tất cả mọi người trong gia đình này đều hiếu khách nên má và
hai cô của Hạ tự nhiên như ở nhà. Còn Hạ vẫn nhăn nhó như lúc rời Nha
Trang. Hạ cảm thấy không tự nhiên khi ở chung một nhà với người con trai
bằng tuổi mình và nhất là phải nằm ngủ trống trải trong phòng khách với
má và các cô.
Mỗi ngày, Hạ phụ giúp những người lớn nấu ăn, rửa chén rồi ngồi
yên nhìn những đứa nhỏ chơi đùa trước sân. Thỉnh thoảng Hạ đến cái góc
bên cạnh bàn thờ tìm sự yên lặng với quyển nhật ký, những bài thơ, những
vật kỷ niệm và hình của bạn bè. Hạ cảm thấy nhớ Nha Trang, nhớ bạn bè,
nhớ thầy cô và những buổi dạ vũ. Nhớ nhất là nhỏ Anh thân thương với
giọng kêu ơi ới ngoài bức thành. Chìm đắm trong nỗi nhớ, Hạ tìm những