bao giờ hôn nhau (như cô sẽ hỏi: ai làm chuyện kỳ vậy?). Nhiều lắm, thì
chỉ như: “Quí mặc áo đứt mất tiêu cái nút trên, lồ lộ ra mảng ngực ráp
nắng. Trong Đậm nhiều khi dậy lên một cái gì rưng rức khó tả, chỉ mong
nép đầu vào đó để quên nhọc nhằn, để quên nỗi cô độc lùi lũi trong đời”.
(Giao Thừa)
Hay là:
“Nó ngồi sau lưng thầy... mà lòng nghe dịu ngọt lạ thường, chợt nghe thèm
đến rớt nước mắt được nép mặt vào lưng, được choàng tay ôm eo thầy”.
(Nước Chảy Mây Trôi)
Phần nào, sự chuyên biệt của Nguyễn Ngọc Tư vào những truyện loại này
có thể làm người đọc lo ngại. Chằng lẽ nghiệp văn của cô sẽ khoanh trong
thể loại những mối tình không trọn, những ký sự đồng quê? Quả là Nguyễn
Ngọc Tư có tài thiên phú, cô viết rất nhanh, rất khoẻ (trong vòng ba năm đã
ra bốn tập truyện ngắn). Nhưng cái đáng lo là chỗ đó. Người ta bắt đầu thấy
quá quen thuộc với truyện của cô. Chúng na ná như nhau, và dù rằng mỗi
truyện vẫn đáng đọc, vẫn cho người đọc những giờ phút thú vị, nhưng sao
ấy, chúng không còn để lại cái ấn tượng sâu đậm của những truyện mấy
năm đầu. Đến lúc nào đó, nhà văn không thể chỉ sử dụng cái thiên bẩm của
mình. Nhà văn phải đổ mồ hôi, xót con mắt, lã ngón tay (hay cho độc giả
cảm tưởng ấy). Sự quanh quẩn trong những không gian, hoàn cảnh quen
thuộc có thể là cái chớp đèn vàng (nhưng chưa đỏ) trên con đường văn
chương của Nguyễn Ngọc Tư.
Nhiều người so sánh cô với Sơn Nam. Nhưng Sơn Nam là người viết ký sự
giỏi, hầu như là nhà nghiên cứu, nhà dân giả học chuyên nghiệp. Nguyễn
Ngọc Tư không như vậy, cô là nhà văn chuyên môn. Những cây bút khác ở
miền Nam liền trước Nguyễn Ngọc Tư (như Lê Văn Thảo, Nguyễn Quang
Sáng) là thế hệ của chiến tranh dành độc lập. Tuy Nguyễn Ngọc Tư không
phải mang nhiệm vụ đó nữa, quá khứ ấy được cô đưa vào truyện một cách
rất tự nhiên (Mối Tình Năm Cũ, Ngọn Đèn Không Tắt). Có lẽ Nguyễn
Ngọc Tư không biết là chính cái trẻ của cô, cái tính “tỉnh nhỏ” của cô đã
cho cô một lợi thế rất lớn. Đó là cô không bị hành trang của thế hệ trước
làm nặng vai, hay bị ảnh hưởng của những người đi trước (trong thư riêng