lên khuôn mặt chớm già của dì, không nói gì hết, khuôn mặt bì sì của ông
hơi dúm lại, dường như ông cũng đau lắm, xót lắm” (Mối tình năm cũ).
Hay là:
“Nhưng không phải buồn Phương lấy vợ, tôi buồn là vì chiều nay, Nhân
Phủ đã sụp đổ trong lòng.
Rồi họ, và cả má tôi đều bảo tôi khóc đi.” (Nhà cổ)
Nhưng, để ý: cái khóc của Nguyễn Ngọc Tư là vì thương yêu, không vì oán
giận. Không phải là cái khóc nghẹn ngào, day dứt, ủ rũ. Đây là cái khóc ào
ào như cơn mưa miền Nam, và người đọc biết (hay mong mỏi) chỉ khoảnh
khác thì mưa sẽ tạnh, nắng sẽ lên và nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư sẽ quẹt
nước mắt xông vai trở lại cuộc sống bận rộn của mình.
Chính vì Nguyễn Ngọc Tư còn trẻ, cô nhìn cuộc sống bằng cặp mắt trong
sáng (khác với lạc quan) và trung thực. Cô không giả vờ dằn vặt nội tâm
như nhiều nhà văn (không chỉ ở Việt Nam) ham đòi thời thượng. Nhưng
Nguyễn Ngọc Tư không ngây thơ “chuyện đời”. Cô nhìn, cô nghe, cô biết
hết. Nguyễn Ngọc Tư là một chứng nhân trung thực và tinh nhạy. Không
phải chứng nhân cho những vụ việc hung hăng, thô bạo, nhưng cho những
mảnh đời đơn dị, bình thường. (Truyện Nguyễn Ngọc Tư không có người
lừa đảo, không có kẻ sát nhân. Có lẽ trong truyện của cô cái tội lớn nhất là
tội... ngoại tình!). Nếu lúc gần đây truyện của Nguyễn Ngọc Tư có “buồn”
hơn, ấy không phải vì mắt cô đã nhạt đi màu hồng (hãy mong thế), nhưng
vì tầm nhìn của cô nó xa hơn và, trong quãng không gian mở rộng đó, cô
thấy thêm những chuyện đời dang dở. Cô không buồn hơn, nhưng lọt vào
mắt cô là những mảng đời buồn hơn.
Nhưng đừng tưởng Ngưyễn Ngọc Tư là người hời hợt. Quả vậy, những
truyện – nhất là những truyện sau này – đều là về những mối tình không
trọn. Chẳng phải đổ vỡ, nhưng không trọn. Những mối tình đó không phải
chỉ của người già, mà còn là những mối tình của thế hệ cô (Ngổn Ngang) –
hay thứ tự phải ngược lại? Nhìn cho kỹ, sự dang dở đó không phải lỗi của
ai. Nguyễn Ngọc Tư chấp nhận nhưng không than oán, mà cũng không ra
vẻ cứng rắn kiểu anh hùng rơm.
Những cặp “tình nhân” (tạm gọi) trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư không