là kẻ thô lỗ, ích kỷ, quá đề cao cái tôi khi cậu đòi hỏi một khoản tiền lớn từ
chủ một đội bóng giàu có - nhưng lại thấy không có vấn đề gì khi cậu hái
được cả đống tiền từ Pepsi, Nike hay Wheaties nhờ quảng cáo những sản
phẩm mà có khi cậu chẳng bao giờ xài hay thậm chí là thích. Thật khó hiểu.
Bỏ ra ba ngày quay một quảng cáo đạo đức giả dài ba mươi giây là Christian
đã kiếm được nhiều tiền hơn cả từ việc dành cả mùa bị những gã dãi dớt lòng
thòng với tuyến yên hoạt động quá mức tấn công từ góc khuất - và đó là kiểu
người hâm mộ muốn.
Chẳng đại diện nào quan tâm đến chuyện đó. Phần lớn các đại diện hưởng
từ ba đến năm phần trăm tổng số lương thỏa thuận (Myron lấy bổn phần
trăm), so với hai mươi hoặc hai lăm phần trăm tổng số tiền quảng cáo.
(Myron lấy mười lăm phần trăm - hầy, anh là lính mới mà). Nói cách khác,
ký một hợp đồng trị giá một triệu đô với một đội bóng, thì đại diện được
hưởng khoảng bốn mươi ngàn đô. Ký một hợp đồng quảng cáo một triệu đô,
thì đại diện có thể nhanh gọn bỏ túi tới hai trăm năm mươi ngàn đô.
Cuộc gọi thứ hai của Myron là cho Ricky Lane, trung phong đội New
York Jets đồng thời là cựu đồng đội của Christian. Ricky là một trong những
khách hàng quan trọng nhất của anh, và Myron khá chắc chắn rằng chính
Ricky là người đã thuyết phục Christian thuê anh trước nhất.
“Tôi có việc cho cậu đây, xuất hiện ở một hội trại thiếu nhi,” Myron mở
lời. “Người ta trả năm ngàn đô.”
“Nghe ngon đấy,” Ricky nói. “Tôi phải ở đó bao lâu?”
“Hai tiếng. Nói chuyện dăm câu, ký vài chữ, đại loại thế.”
“Hôm nào?”
“Thứ Sáu tuần sau.”
“Thế còn việc xuất hiện ở trung tâm thương mại?”
“Chủ nhật,” Myron đáp, “Trung tâm thương mại Livingston. Gian hàng
thể thao Morley.” Bỏ ra hai tiếng ngồi bên bàn ký cọt là Ricky đã được trả
thêm năm ngàn đô nữa.
“Tuyệt.”
“Cậu muốn tôi điều xe limo tới đón cậu không?”
“Không, tôi sẽ tự lái. Anh có tin gì về hợp đồng năm tới chưa?”