đấu, thợ mỏ, thợ dệt, những nông dân cần mẫn của một đất nước vĩ đại.
Biết bao nhiêu công việc gian khổ, thường là quá sức, họ đã hiến cho mảnh
đất này! Vậy thì mảnh đất này phải được vẻ vang vì lao động, trí tuệ, danh
dự và tự do. Không gì có thể cao quý hơn và thiêng liêng hơn hai tiếng
"nhân dân".
Đến đêm, mai táng xong các tử sĩ, Bô-ga-rép trở về hầm của mình,
- Báo cáo đồng chí chính ủy, - Lính gác nói - có liên lạc vừa tới.
- Liên lạc à? - Bô-ga-rép ngạc nhiên hỏi. - Ở đâu đến?
Một chiến sĩ, vóc người nhỏ bé, đeo xà-cột và súng trường bước vào.
- Đồng chí chiến sĩ, đồng chí ở đâu tới?
- Ở bộ tư lệnh sư đoàn. Tôi mang công văn đến.
- Làm thế nào mà đồng chí qua được, đường đã bị nghẽn.
- Báo cáo chính ủy, tôi phải xoay xở, phải bò mất bốn cây số; đến đêm
tôi vượt sông và hạ thủ một thằng lính gác. Tôi đem về được cái phù hiệu
đeo vai của nó, đây ạ.
- Đồng chí không sợ à? - Bô-ga-rép hỏi.
- Sợ cái gì kia ạ? - Đồng chí chiến sĩ cười to, đáp.
- Không sợ thật ư? - Bô-ga-rép hỏi bằng một giọng nghiêm trang.
Người kia chìa ra một gói thư.
Lá thư nhất, từ Ê-rê-van tới, gửi cho Ba-bát-gia-nhi-an. Bô-ga-rép đọc
địa chỉ người gửi: thư đó của vợ Ba-bát-gia-nhi-an.
Các đại đội trưởng Ốp-chi-nhi-cốp và Su-lây-kin, đồng chí phụ trách
công tác chính trị Ma-khốt-kin vừa nhanh nhẹn soạn thư, vừa nói khe khẽ:
- Đồng chí này... hy sinh... hy sinh... hy sinh. Đồng chí này... hy sinh.
Họ để riêng thư của các đồng chí đã tử trận sang một bên.
Bô-ga-rép cầm lá thư của Ba-bát-gia-nhi-an và đi ra mộ anh. Bô-ga-rép
đặt nó lên một cái mô nhỏ xong phủ đất lên, bên trên lại chặn thêm một
mảnh đại bác nặng.
Anh đứng hồi lâu bên nấm mồ đồng chí tiểu đoàn trưởng.
- Đến bao giờ anh mới nhận được thư em, Li-đa ơi? - Anh thốt lên thành
tiếng.