Tôi tạm chuyển sang căn phòng bỏ trống ở Lục Ảnh Trang, là phòng 2-B
trên tầng hai
. Có người bảo tôi nên sửa lại nhà chính, nhưng tôi chẳng
còn bụng dạ đâu mà quan tâm.
Điều bất ngờ là, vụ hỏa hoạn kết thúc bằng hai chữ ‘tai nạn’.
Các kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy, ngọn lửa bắt nguồn từ
phòng ngủ của má. Nguyên nhân là bởi cái lò sưởi dùng dầu hỏa bị đổ khiến
dầu tràn ra ngoài rồi bắt lửa từ một thứ gì đó, như điếu thuốc lá đang cháy
dở chẳng hạn.
Cũng có người nghĩ không phải tai nạn, mà do má cố ý châm lửa, tức là tự
sát. Nhưng giả thuyết này lập tức bị phủ định vì má không có động cơ gì để
tự sát cả.
Sang tháng Mười hai, đã vãn hẳn bóng dáng mấy thanh tra ngày nào cũng
đến hỏi thăm, khu nhà trở về trạng thái tĩnh mịch vốn có. Tôi nhốt mình cả
ngày ở xưởng vẽ, nơi không bị ngọn lửa quét qua, chẳng làm gì, cũng chẳng
suy nghĩ gì. Ba bữa ăn trong ngày, áo quần giặt giũ đều phó mặc cho vợ
chồng bác quản lý Mizujiri.
Má ra đi thật rồi…
Trước cái chết của người phụ nữ nuôi nấng mình suốt hai mươi tám năm,
nỗi buồn đau cứ dâng lên mãi trong lòng tôi. Khi bình tĩnh xem xét lại các
khía cạnh của sự việc, tôi bắt đầu nhen nhóm một niềm tin: Má tôi bị giết.
Má vốn sợ lạnh, đêm nào cũng phải đốt lò sưởi, đợi phòng ấm lên thì mới
đi nằm. Má uống rượu trước khi ngủ và có lẽ còn hút thuốc nữa. Chắc cũng
vì lời khai của tôi nên cảnh sát mới kết luận rằng nguyên nhân hỏa hoạn là
do sự bất cẩn của bà.
Dù sao, tôi cũng không nghĩ má đã tự làm đổ lò và gây ra hỏa hoạn. Đành
rằng ai cũng có lúc bất cẩn. Đành rằng sự cố rất dễ xảy ra. Nhưng…
Có hai lý do lớn khiến tôi suy nghĩ như vậy.
Một là về tính cách của má.
Dù có phần xuề xòa ở không ít phương diện nhưng bà hết sức cẩn thận
trong việc đèn lửa bếp núc. Tôi từng nghe bà kể hồi nhỏ đã gặp một phen