thời gian, sự chuyển vần của vũ trụ… thì làm sao có thể thành thơ và thơ
hay được.
Tuy nhiên, theo Bác nếu thơ nay chỉ dừng lại ở sự ca ngợi, phản ánh
cái đẹp của Sơn, thuỷ, yên, hoa, tuyết, nguyệt, phong như thơ xưa thì chưa
đủ. Bác mong muốn Hiện đại thi trung ưng hữu thiết (Thời nay trong thơ
nên có thép). Trong thơ nay nên (ưng) thêm một chất mới mà thơ xưa chưa
có, đó là thép. Phải thấy rằng Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông vào thơ
là đẹp, mà thép vào thơ càng đẹp. Thiên nhiên khêu gợi mỹ cảm cho con
người, đấu tranh xã hội để giải phóng con người, phát huy mọi khả năng
của con người càng mang lại cho con người mỹ cảm lớn. Thơ ca, trong đó
có thơ viết về thiên nhiên và cả thơ viết về tình yêu - những đề tài muôn
thuở cần có thép, bởi thơ ca bao giờ cũng hướng con người tới cái đích
hoàn thiện, hoàn mỹ. Cuộc đời con người bao giờ và lúc nào cũng khao
khát lẽ sống cao đẹp. Cuộc đời đòi hỏi trong thơ có thép, một thứ thép được
tôi luyện tự bên trong bản thân nhà thơ. Chất thép phải do nhà thơ dày công
tu dưỡng mọi mặt mới có được, mới tạo nên được chữ thép trong thơ, chứ
không phải như có người đã nghĩ là chỉ dựa vào đề tài.
Về thép trong thơ và thép trong thơ Bác Hồ hẳn là một đề tài của một
công trình nghiên cứu công phu, khoa học mới mong lý giải thấu triệt về
quan điểm, nội dung, cách thức thể hiện thép trong thơ như thế nào. Khi
đọc tập thơ Ngục trung nhật ký, nhà văn - nhà nghiên cứu nổi tiếng Trung
Quốc, Quách Mạt Nhược, có một nhận xét sâu sắc: “Toàn bộ hơn một trăm
bài thơ, hơn 2.700 chữ, chỉ có một chữ thép này (2). Nhưng nếu chúng ta
đọc kỹ thì hầu như bài nào cũng có thép, câu nào cũng có thép. Vì sao vậy?
Bởi vì người làm thơ có tinh thần thép” (3). Chữ thép trong câu thơ Nay ở
trong thơ nên có thép có một nghĩa rộng và cũng trong một ngữ nghĩa rộng,
không thể hiểu một cách gò bó, hạn hẹp hoặc tách nó đứng độc lập, cứng
nhắc mà nó nối liền nhau trong cả bài thơ, thẩm thấu trong tình cảm, cảm
xúc, trong nội dung và nghệ thuật biểu hiện của thơ. Tinh thần thép không
hề mâu thuẫn gì với tình cảm đối với thiên nhiên. Cách nhìn nhận, phản