May mắn thay, để lấy lại tinh thần sau những việc đó, hôm nay, tôi đến
nhà ông Kakuro uống trà và ăn bánh gatô dừa rất ngon và rất mịn. Ông ấy
đã đến nhà mời tôi và nói với mẹ tôi: “Hai chú cháu tôi đã làm quen trong
thang máy và còn đang nói dở một câu chuyện rất thú vị.” “Thế ư?” mẹ tôi
ngạc nhiên nói. “Thế thì ông gặp may rồi, con gái tôi ít khi nói chuyện với
chúng tôi.” “Cháu có muốn đến nhà chú uống trà và để chú khoe hai con
mèo không?” ông Kakuro hỏi và tất nhiên là mẹ tôi đồng ý luôn vì bà đang
tò mò muốn biết câu chuyện sẽ tiếp diễn thế nào. Mẹ tôi đã nghĩ đến cảnh
geisha hiện đại được mời đến nhà đại gia Nhật Bản. Cần phải nói rằng một
trong những lý do mà mọi người ở đây đều bị ông Ozu lôi cuốn là vì ông ấy
(hình như) đúng là rất giàu. Tóm lại, tôi đến nhà ông ấy uống trà và làm
quen với hai con mèo. Vâng, về lũ mèo, tôi không đến nỗi chỉ thích mèo
nhà mình, nhưng ít ra hai con mèo của ông Kakuro cũng khá xinh xắn. Tôi
đã nói quan điểm về mèo của mình với Kakuro và ông ấy trả lời tôi rằng
ông ấy tin vào sự tỏa sáng và tính nhạy cảm của cây sồi, huống hồ là khả
năng ấy của con mèo. Chúng tôi tiếp tục định nghĩa về trí thông minh và
ông ấy đã xin phép tôi để ghi lại câu nói của tôi vào cuốn sổ hiệu
Moleskine: “Đó không phải là một món quà trời cho, mà là vũ khí duy nhất
của loài linh trưởng.”
Rồi chúng tôi lại nói về bà Michel. Ông ấy nghĩ là con mèo của bà
Michel tên là Léon vì được đặt tên theo Léon Tolstoï, và chúng tôi cùng
nhất trí rằng một bà gác cổng mà đọc truyện của Tolstoï và sách của nhà
xuất bản Vrin thì rất có thể không tầm thường chút nào. Ông ấy còn có
những lý do rất xác đáng để nghĩ rằng bà Michel rất thích tiểu thuyết Anna
Karénin và quyết định gửi cho bà ấy một cuốn. “Chúng ta sẽ thấy phản ứng
của bà ấy,” ông Kakuro nói.
Nhưng đó không phải là suy nghĩ sâu của tôi ngày hôm nay. Suy nghĩ
sâu của tôi bắt đầu từ lúc một câu nói của ông Kakuro. Chúng tôi nói
chuyện về văn học Nga, lĩnh vực mà tôi không hề biết gì. Ông Kakuro giải