Năm mười sáu tuổi, chị ra thành phố trông con cho một nhà giàu. Suốt
một năm trời chúng tôi không gặp chị nữa. Chị trở về đón Noel ở nhà với
những món quà mới lạ (bánh mì tẩm gia vị, những dải duy băng màu sắc
sặc sỡ, những túi nhỏ đựng hoa oải hương khô) và vẻ mặt của một bà
hoàng. Liệu có thể có sắc mặt nào hồng hơn, sống động hơn, tuyệt vời hơn
sắc mặt của chị? Lần đầu tiên có người kể chuyện cho chúng tôi nghe và
chúng tôi dán mắt vào miệng chị ấy, hau háu muốn biết sự thức tỉnh thần bí
mà những lời nói từ miệng chị đem lại, chị tôi, một cô gái nông thôn trở
thành người giúp việc cho những người giàu có và kể về một thế giới xa lạ,
màu mè, lấp lánh, nơi phụ nữ lái xe móc để làm thay công việc của đàn ông
hay cho biết tin tức trên thế giới khi người ta ấn nút…
Khi nghĩ lại tất cả những chuyện đó, tôi biết được gia đình mình đã
phải sống trong sự cùng kiệt. Chúng tôi chỉ sống cách thành phố khoảng
năm mươi kilômet và cách một thị trấn lớn chỉ mười hai kilômét, nhưng
chúng tôi sống như ở thời Trung cổ, không tiện nghi, không hy vọng, vẫn
tin chắc rằng mình sẽ luôn là dân quê. Chắc là đến nay, ở một vùng nông
thôn xa xôi nào đó, vẫn có một vài cụ già lạc hậu không biết đến cuộc sống
hiện đại, nhưng chúng tôi là một gia đình còn trẻ và trong độ tuổi lao động,
vậy mà khi chị Lisette miêu tả những con phố thành thị sáng rực trong dịp
Noel, chúng tôi mới phát hiện ra rằng tồn tại một thế giới mà chúng tôi
thậm chí chưa bao giờ nghĩ là có.
Chị Lisette lại ra đi. Trong vài ngày tiếp theo, cứ như theo một cỗ máy
trì trệ, chúng tôi tiếp tục bàn tán một chút. Một vài buổi tối, trong khi ăn,
bố tôi bình luận về những câu truyện của con gái mình. “Những câu truyện
ấy khó tin quá, ôi chao buồn cười quá.” Rồi yên lặng và những tiếng la
mắng lại đổ lên đầu chúng tôi như bệnh dịch hạch đổ lên những kẻ bất
hạnh.
Khi nghĩ tới chuyện đó… Cơn mưa này, những người đã mất… Chị
Lisette mang tên của hai người đã chết; tôi chỉ mang tên của một người, đó