này xung đột với nhau, chủ nghĩa hiện thực địa chính trị thường giành thế
thắng.
Chiến tranh Lạnh thể hiện sự mâu thuẫn giữa hai siêu cường hay giữa hai
tư tưởng về tổ chức xã hội: xã hội mở và xã hội đóng. Thực ra là cả hai.
Chiến tranh Lạnh là một trong những thời kỳ trong lịch sử nước Mỹ ghi
dấu sự pha trộn có ít nhiều hòa hợp giữa hai lý tưởng này. (Chiến tranh Thế
giới thứ II cũng là một ví dụ khác sau khi Mỹ tham gia). Trong suốt Chiến
tranh Lạnh đã có nhiều ý kiến khác nhau trong việc chọn lý tưởng nào là ưu
tiên, vào thời điểm Chiến tranh Việt Nam, hai quan điểm này mâu thuẫn rất
rõ ràng. Nhưng nếu nhìn toàn cục gần nửa thế kỷ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã
kết hợp thành công hai vai trò: là một trong hai siêu cường và là người lãnh
đạo thế giới phương Tây. Các nước phương Tây khác tự nguyện đi theo sự
dẫn dắt của Mỹ khi đương đầu với mối nguy hiểm chung. Quan trọng nhất
là Mỹ đã chiến thắng.
Sau sự sụp đổ của hệ thống Đông Âu và sự tan rã đầu tiên là đế chế Xô
viết, sau là Liên bang Xô viết, việc cần phải lựa chọn giữa hai lý tưởng thể
hiện rõ ràng hơn. Thật lạ là công luận Mỹ hầu như không nhận ra điều đó.
Dưới ảnh hưởng của trào lưu thị trường chính thống, ý định giúp đỡ các
nước cộng sản trước đây, giống cách Mỹ giúp Châu Âu sau Chiến tranh
Thế giới thứ II bằng Chương trình Marshall, thậm chí đã không được cân
nhắc đến. (Tôi cảm thấy thật đơn độc khi dốc sức giúp những nước cộng
sản trước đây chuyển thành xã hội mở). Kết quả là một cơ hội lịch sử đã bị
đánh mất, và đến tận hôm nay, công chúng Mỹ vẫn không nhận ra điều đó.
Mỹ đã chọn con đường chủ nghĩa hiện thực địa chính trị mà gần như không
hề cân nhắc.
Sau sự kiện 11/9, công chúng Mỹ đã nhận thức rõ hơn rằng những gì xảy
ra ở phần còn lại của thế giới có thể tác động trực tiếp đến họ và cần phải
chọn lọc các chính sách ngoại giao quan trọng. Sự nhận thức này có thể
không được lâu vì vậy không nên để khoảnh khắc đó qua đi.