Một cách để đẩy mạnh các xã hội mở mà không va chạm với chủ quyền
quốc gia là đưa ra các ưu đãi thiết thực cho các quốc gia tự nguyện tuân thủ
những luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế. Đó là quan điểm xuyên suốt các đề
xuất thực tế tôi đưa ra trong cuốn sách này. Sau sự kiện 11/9, đây là thời
điểm thích hợp để đẩy quan điểm này thêm một bước xa hơn.
Tôi đã đề nghị trong cuốn sách trước, cuốn Xã hội mở (Open society),về
việc hình thành một liên minh với ý chí quyết tâm thực hiện hai mục tiêu:
đẩy mạnh xã hội mở trong mỗi quốc gia và xây dựng cơ sở của xã hội mở
toàn cầu. Sau sự kiện 11/9, nguyên tắc rằng quyền lợi chung của các xã hội
mở toàn cầu là thúc đẩy phát triển nền dân chủ, kinh tế thị trường, và nhà
nước pháp quyền cần được chấp nhận rộng rãi. Cũng như cần lập ra những
chuẩn mực hành vi - từ việc không che dấu khủng bố cho đến việc không
sản xuất các vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tất nhiên, chúng sẽ không có tác
dụng nếu thiếu sự kiểm soát và cơ chế đảm bảo thực hiện thích hợp. Nhu
cầu đã trở nên cấp bách. Sự xuất hiện của vũ khí sinh học là một quá trình
phát triển không thể đảo ngược, cũng giống như việc thả trái bom nguyên
tử đầu tiên.
Mỹ phải dẫn đầu. Nước này có thể chọn hành động đơn phương hay đa
phương. Có thể là không tưởng khi cho rằng Mỹ có thể đơn phương đạt các
mục tiêu này, nhưng điều này cũng cần được suy nghĩ một cách nghiêm
túc. Đa số cho rằng Saddam Hussein đã dính líu đến việc sản xuất vũ khí
sinh học và chế độ của ông ta là một nguy cơ thực sự đối với thế giới. Vấn
đề là, cần phải làm gì để đối phó? Một số thành viên trong chính quyền
Bush biện hộ cho việc Mỹ tấn công Iraq. Nhưng ngay cả khi chiến dịch
quân sự chống Iraq có thành công như chiến dịch chống Afghanistan, vấn
đề vẫn còn đó. Các nước khác cũng có thể sản xuất vũ khí sinh học. Điều
đáng nói là không có thành viên nào trong chính quyền Bush công khai ủng
hộ cho chính sách thỏa thuận đa phương. Trong khi đó lại là cơ hội duy
nhất có thể thành công.