Hai quan điểm là cơ sở chính của cuốn sách này đều có chung một mẫu
số, đó là: Cả việc cung cấp hàng hóa công lẫn việc cải thiện những điều
kiện nội tại đều yêu cầu có sự di chuyển nguồn lực từ nước giàu sang nước
nghèo. Điều này đi ngược lại bản chất của chủ nghĩa thị trường chính thống
cho rằng hãy để thị trường tự chọn cách phân bổ nguồn lực tối ưu nhất.
Di chuyển nguồn lực thông qua các định chế thương mại và tài chính
quốc tế (IFTIs) hiện tại vẫn chưa thoả đáng. Hầu hết ngân quỹ của IMF chỉ
dùng cho việc cứu các quốc gia vừa trải qua khủng hoảng. Công việc chính
của Ngân hàng Thế giới là cho vay; vì vậy khả năng tài trợ đã bị hạn chế rất
nhiều, chỉ trong khoản lợi nhuận từ việc cho vay. WTO thì không quan tâm
gì tới việc di chuyển các nguồn lực. Các định chế thương mại và tài chính
quốc tế (IFTIs) có thể đóng góp vai trò lớn hơn so với hiện nay - điều này
sẽ được thảo luận trong các chương 1, 3 và 4 - nhưng chúng ta vẫn cần một
hình thức vận hành di chuyển nguồn lực quốc tế mới khác biệt với kênh
thông qua các định chế thương mại và tài chính quốc tế (IFTIs) hiện tại. Đó
là yếu tố còn thiếu của các dàn xếp tổ chức hiện nay. Đây là phần trọng tâm
của cuốn sách và sẽ được đi sâu hơn ở chương 2.