Ta đem Nho giáo ra mà phu diễn ra đây, không phải là để phô trương cái
học thấp hèn của ta, chẳng bỏ làm rườm tai rác mắt những kẻ có học thức.
Nhưng bản tâm là muốn những học giả trong nước hồi tỉnh lại, đem những
cái cố hữu của ta mà xét cho kỹ, xem nó hay dở thế nào, để định thủ, xả cho
chính đáng, đừng có đinh ninh một niềm là cái mới thì hay cả, mà cái cũ thì
dở cả. Đến những nhà học thức bên Âu châu bây giờ cũng công nhận cái
học lưu truyền từ đời thượng cổ vẫn là uyên thâm và đúng với chân lý hơn
cái học thiển bạc ngày nay. Thế mà ta có cái học lưu truyền chác chắn vững
bền như Nho giáo, sao nỡ để hẩm nát không nhìn đến, chẳng hóa ra ta khờ
dại lắm ru! Một việc như thế mà còn khờ dại, thì còn nói theo việc khác
bằng người ta sao được.
Ta nói giữ lấy cái học lưu truyền của Nho giáo, không phải là nói giữ lấy
cái học hủ bại của bọn tục nho, là một bọn tội nhân của Nho giáo. Bọn ấy
mờ tối, mắt không biết trông, tai không biết nghe, lúc vô sự thì lấy câu thơ
làm văn, rung đùi tự đắc, tự cho mình là thần thánh, đi đâu giương hai chữ
“nhà nho” ra lòe những kẻ ngu phu ngu phụ, ngoài ra chẳng biết việc đời là
chi cả. Đến lúc lâm nguy, thấy cuộc thế biến đổi, đem ngay cái tượng vừa
hôm trước còn đang sùng bái, ném xuống hồ, xuống ao, rồi khua môi múa
mép, a dua với đời, chê Nho giáo thế này, Nho giáo thế nọ. Kỳ tình bọn ấy
học Nho giáo mà không biết rõ cái tinh thần của Nho giáo, bình nhật chỉ bo
bo học lối từ chưong để đi vào con đường danh lợi, ngoài ra chẳng biết thế
nào là danh tiết, thế nào là liêm sỉ. Bọn tục nho ấy đã không cam chịu cái
tội của mình mà tự hối lại, để sửa đổi những điều đã lầm lỗi, lại còn tìm
cách mà buông lời phỉ báng; không biết rằng học Nho giáo thì phải hiểu cái
tinh thần và nghĩa lý của Nho giáo, phải theo thời mà biến đổi cho hợp thời.
Đã gọi là lưu hành bất tức
流行不息, thì phải biến đổi luôn song biến đổi
phải lấy gì làm gốc, để cho sự biến đổi của mình có căn bản mà nghĩa lý
vẫn không mất. Vậy ta nói theo Nho giáo là theo cái tinh thần cường kiện,
đem cái tư tưởng của ta vượt lên đến cái lý nguyên thỉ, rồi cùng với vũ trụ
mà lưu hành, mà tạo tác ra một cuộc nhân sinh có đủ nghị lực để đồng sinh,
đồng hóa với vạn vật, biết tùy thời mà ứng biến, nhưng không quên cái gốc
cũ, để thành một hạng người có nhân cách tôn quý, có lòng nhân từ, bác ái,