NHO GIÁO - Trang 607

Có người nói rằng: cái quan niệm ấy thích hợp với cái trình độ đời xưa, vì
cuộc nhân sinh đời xưa giản dị và chất phác. Đến nay thời cục đã biến đổi
đi, nhân trí đã mở mang ra, việc chính trị và việc giáo dục đã thay đổi hết
cả, thì cái học của Nho giáo còn có bổ ích gì cho thế sự nữa? Nói như thế là
người xét việc chưa biết hết các ý nghĩa. Thời cục có thay đổi, cuộc nhân
sinh có biến thiên, nhưng còn có nhân quần xã hội tất là có sự tổ chức của
xã hội cho hợp đạo lý. Nếu ở trong một xã hội mới ngày nay mà những
người giữ quân quyền đều là người có đức hạnh cả, lại không hơn những
người giảo quyệt, khôn khéo mà gian tham và vô liêm sỉ hay sao? Đã hay
rằng thời khoa học mở mang ra, sự sinh hoạt không giản dị, đơn sơ như
trước nữa, sự giáo dục ngày nay tất không thể không chú trọng ở trí dục,
nhưng thử xét xem ta có thể bỏ được đức dục đi không? Người có tài, có trí
mà không có tâm địa, không có khí tiết, thì dù ở đời nào mặc lòng, cũng chỉ
là một bọn gian ác, làm những việc ích kỷ hại nhân mà thôi, vậy thì lấy gì
mà phân biệt kẻ hay, người dở! Nho giáo tuy từ xưa đến nay không chú
trọng ở sự kinh doanh về đường vật chất, là vì xã hội của Á Đông ta xưa kia
chưa có sự cần dùng ấy, nhưng sự giáo dục của Nho giáo đã đào tạo ra được
biết bao nhiêu người trung nghĩa, bao nhiêu người có khí tiết, có nhân phẩm
cao thượng, biết quên mình về việc thiên hạ quốc gia, chẳng hơn những
hạng người xảo quyệt đời nay, giả nhân, giả nghĩa, để làm những điều tự tư,
tự lợi hay sao? Sự giáo dục mà chỉ chú trọng ở một trí dục mà thôi, thì
không đủ khiến người ta biết rõ cái đạo làm người được. Bởi vì người ở
trong xã hội mà khôn ngoan đủ điều, nhưng không có cái đức dục để ràng
buộc nhân tâm thì khác nào một đàn thú dữ ở với nhau, chỉ chực làm hại lẫn
nhau để cầu cái lợi riêng của mình. Người ở với nhau như thế, thì còn có gì
là nhân đạo nữa?
Cái nền đức dục của ta là Nho giáo đã xây đắp lên hằng mấy nghìn năm nay
rồi, mà đã có cái hiệu quả mỹ mãn, thì ta cứ giữ lấy cái nền lưu truyền ấy để
làm cái sản nghiệp riêng của ta. Ta lại thu thái lấy những điều trí dục mà ta
còn khiếm khuyết, để bồi bổ thêm vào cái sản nghiệp ấy, làm cho tâm với
trí điều hòa với nhau mà tiến hóa. Như thế thì cái học của ta có cái căn bản,
và có thay đổi điều gì ắt cũng có ít sự lầm lỗi vậy.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.