tức là đắc Đạo thành Phật vậy. Khi đó Ngài mới đem truyền dạy Đạo mầu
thoát khổ cho thế gian.
Chúng ta là những người trần gian phàm tục, không mấy ai có thể làm
giống như Phật Thích Ca, nhất thời dứt bỏ tất cả giàu sang, quyền thế, danh
vọng, tình yêu và hạnh phúc gia đình để theo đuổi một mục đích mơ màng
viễn vông như là việc đi tìm Chân Lý, và tìm hiểu bí quyết của cuộc Đời!
Tuy nhiên, mỗi người trong chúng ta đều có kinh nghiệm về sự đau khổ ít
nhất một vài lần trong đời mình và đã có lúc phải tự hỏi: Tại sao con người
bị đau khổ? Và họ có thể làm gì để thoát khổ?
Những nhà văn có óc không tưởng đã phác họa một thời kỳ trong tương
lai mà trong bốn điều khổ của đức Phật nêu ra, thì hai điều sẽ không còn nữa,
đó là: Bệnh và lão. Nhưng mặc dầu khoa học hiện đại đã có bao nhiêu những
phát minh mới mẻ tân kỳ, người ta vẫn chưa có triển vọng tìm ra phương
pháp giải quyết vấn đề mà con người vẫn coi như là một kẻ thù lớn nhất, đó
là Sự Chết! Trong khi chờ đợi, và trong khi mà một sự cải tạo thế giới trên
một bình diện hợp lý hơn vẫn chưa đem đến cho nhân loại sức khỏe, an ninh,
và hạnh phúc, thì chúng ta còn phải đương đầu với muôn ngàn sự bấp bênh,
nguy cơ và đau khổ nó hăm dọa nền hạnh phúc và sự bằng an trong tâm hồn
chúng ta!
Những tai họa thiên nhiên như hỏa hoạn, ngập lụt, bệnh tật truyền nhiễm,
động đất, chiến tranh, ... đó chỉ là mới kể một vài sự hăm dọa từ bên ngoài.
Còn nói về đời sống bên trong, tức là về phần nội tâm thì con người có bao
nhiêu những sự yếu đuối, bất toàn, như sự ích kỷ, ganh ghét, tham lam, thù
hận, si mê ... Nó là bao nhiêu những nguồn gốc sinh ra sự đau khổ cho mọi
người và cho những kẻ đồng loại ở chung quanh.
Trong những giờ tươi sáng, khi chúng ta cảm thấy trong lòng vui vẻ hân
hoan vì tiếng nhạc réo rắt dụ dương, hay khi nhìn thấy cảnh tượng tưng bừng
rực rỡ của lúc bình minh, chúng ta cảm thấy rằng trong vũ trụ hẳn có sự hòa
vui và có ẩn dấu một ý nghĩa sâu xa thâm trầm. Tuy nhiên, khi chúng ta quay
trở về cõi đời thực tế với những sự va chạm phũ phàng, những thất vọng não