Trung Đoàn Nguyễn Huệ đã tập trung một số lớn trọng pháo Mortier 60
cho phục kích và quay mũi tập trung thành một vòng đai bọc dày đặc xung
quanh đồn Diêm Điền. Đồn Diêm Điền nằm về phía Tây thành phố Đồng
Hới, cách thành phố khoảng một cây số. Đây là một trong những đồn vòng
đai bảo vệ thành phố. Tối hôm đó, vợ của Phạm Chánh đến ngủ với Trưởng
Đồn như nhiều lần trước. Khoảng 2 giờ sáng, khi nội công đã vô hiệu hóa
mìn tại một số vị trí đã định, cắt xong các lỗ hàng rào kẽm gai thì cô ta bật
máy lửa báo tin cho ở ngoài biết để bò vào. Khi biết chắc địch đã tới đến
hàng rào trong cùng, anh Trưởng Đồn liền làm hiệu cho các đơn vị phục
kích ở ngoài biết, tức thì trọng pháo bắn vào xung quanh đồn tới tấp như
mưa. Anh Trưởng Đồn vùng dậy thì bị cô ta ôm ghì chặt lại và vật xuống,
hai người giằng co nhau. Anh Trưởng Đồn mò tay rút khẩu súng lục giấu
dưới giường bắn cô ta chết ngay tại chỗ. Sáng hôm sau, cả thành phố Đồng
Hới đều biết tin vợ của Phạm Chánh, em dâu của Thích Trí Quang, làm nội
ứng bị bắn chết khi đang còn trần truồng.
Trong cuốn The lost revolution do Harper and Row xuất bản năm 1965,
Robert Shaplen có ghi lại rằng khoảng tháng 5 năm 1964, sau khi chế độ
Ngô Đình Diệm sụp đổ, người em thứ hai của Thích Trí Quang là Thích
Diệu Minh, một Ủy Viên của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Bình, đã cùng
với một cán bộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, lén vào chùa Từ Đàm
thăm ông. Nhưng tôi biết Phạm Minh không có đi tu. Có lẽ khi vào Huế,
Phạm Minh đã mặc áo cà sa và lấy tên là Thích Diệu Minh để dễ trà trộn.
Dân làng Diêm Điền chuyên về nghề mộc, làm ruộng và đi làm mướn,
không có thành phần khoa bảng, ít ai học hết tiểu học. Giọng của dân làng
này hơi ngọng, giống giọng dân làng Kẻ Noi ở Bắc : chữ "làm sao" đọc là
"nàm thao", "di cư" thì đọc là "ri cư", "liên kết" đọc thành "niên kết" v.v...
Cả tỉnh Quảng Bình không có dân làng nào có giọng nói như vậy. Thượng
Tọa Thích Trí Quang cũng có giọng đó nên đã gặp nhiều khó khăn khi nói
trước quần chúng. Ông phải cố gắng luyện giọng lại nhưng kết quả không
như ý muốn. Năm 1954, khi Hiệp Định Genève được ký kết, mặc dầu ở
ngay ngoại ô thành phố Đồng Hới, có thể di cư vào Nam dễ dàng, 99% dân
làng này ở lại với Việt Cộng.