túng Giáo Hội, đưa Giáo Hội vào một cuộc phiêu lưu chính trị mới nhằm
cướp chính quyền. Cuộc thánh chiến thứ hai này đã đưa nội bộ của Giáo
Hội đến chỗ rạn nứt, các phe quay lại chống nhau, Giáo Hội bị vỡ ra làm
hai mảnh, một phần theo phe Việt Nam Quốc Tự do Thượng Tọa Thích
Tâm Châu lãnh đạo, còn phần kia theo phe Ấn Quang do Thượng Tọa
Thích Trí Quang lãnh đạo. Phe Việt Nam Quốc Tự đã chiếm được ưu thế về
phương tiện pháp lý, còn phe Ấn Quang bị thua cuộc đã quay về sinh hoạt
với một Hiến Chương đã bị hủy bỏ, trở thành một tổ chức nằm ngoài vòng
luật pháp.
Phe Phật Giáo Ấn Quang không phải chỉ chống phe Việt Nam Quốc Tự mà
còn chống tất cả các giáo hội Phật Giáo khác đã hoặc đang hình thành,
nhưng không chấp nhận đặt dưới quyền điều khiển của Giáo Hội Ấn
Quang. Nhóm Phật giáo cực đoan miền Trung quan niệm rằng chỉ có Phật
Giáo Ấn Quang mới là Phật Giáo chính thống, nắm đa số tín đồ và có
quyền đại diện duy nhất cho Phật Giáo Việt Nam. Trong khi đó, các tông
phái nằm ngoài Giáo Hội Ấn Quang vẫn tiếp tục sinh hoạt riêng hay hình
thành những tổ chức mới. Những tổ chức Phật Giáo hoạt động riêng rẽ này
bị coi là "tay sai của chính quyền" hay có "âm mưu chia rẽ Phật Giáo" nên
bị tấn công liên tục. Nhưng rồi những phe nhóm trong Giáo Hội Ấn Quang
cũng đã quay lại chống nhau để dành quyền lãnh đạo Giáo Hội. Các cuộc
nội chiến này đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho Phật Giáo và đã bị
Việt Cộng khai thác. Tiến trình của cuộc nội chiến này cũng rất bi thảm.
Chúng ta hãy lược qua những nỗ lực thống nhất Phật Giáo trước khi đề cập
đến các cuộc nội chiến này.
VÀI NÉT VỀ THỐNG NHẤT PHẬT GiÁO QUA LỊCH SỬ: THỐNG
NHẤT BẰNG CÁCH TRỞ THÀNH GIÁO HỘI NHÀ NƯỚC
Trong thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật Giáo dưới đời Nhà Trần, cũng đã
có sự thống nhất Phật Giáo. Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258) và Tuệ
Trung Thượng Sĩ đã kết hợp ba thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn
Thông và Thảo Đương thành một thiền phái lớn là Thiền phái Yên Tử. Gọi
là Thiền phái Yên Tử vì Thiền phái này do Thiền sư Hiện Quang khai sáng