nguyên". Trào lưu này làm cho Phật Giáo biến thể.(11)
Trong tiến trình tiến tới siêu thoát, người Hoa và người Việt hướng về Lão
Giáo và Phật Giáo. Còn trong việc xử thế, người Hoa và người Việt lại coi
Nho Giáo như khuôn vàng thước ngọc. Mê tín dị đoan là niềm tin nơi sự tế
độ của thần linh, nhất là những khi gặp tình trạng bấp bênh, bệnh tật hay
hoạn nạn trong cuộc sống. Người ta coi Phật như một vị thần linh có thể
ban phước hay cứu độ, nên đã cầu Phật như cầu các vị thần linh khác.
Tam Giáo và mê tín dị đoan ảnh hưởng đến tín ngưỡng, văn hóa và tập
quán Trung Hoa, rồi truyền sang Việt Nam, ăn sâu vào cuộc sống của người
dân Việt Nam, nhất là các thành phần ít học. Tục thờ thần, thờ cúng ông bà,
Thần Tài, Quan Công (Quan Vân Trường), Phật Bà Quan âm, Thánh Mẫu,
... phổ biến khắp nơi. Vào dịp Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ, Rằm tháng
Bảy, Tết Trung Thu, lễ khánh thành, lễ tất niên, lễ tân niên ... người Hoa lẫn
người Việt đều theo những nghi thức, những tập tục và những kiêng kị
mang nặng tính chất dị đoan giống nhau. Rất nhiều chuyện thần bí liên
quan đến đạo Phật được truyền tụng khắp trong nhân gian như chuyện Lão
Tử thành Phật ở đất Hồ, chuyện Quan âm Nam Hải, Quan âm Thị Kính,
chuyện tự ý đầu thai, chuyện giáng hổ, v.v... Sự tích của các cao tăng cũng
được huyền thoại hóa như những chuyện hoang đường, điển hình là chuyện
Từ Đạo Hạnh. Vua Trần Nhân Tông khi đã xuất gia thường đi về các thôn
làng khuyên dân từ bỏ việc thờ cúng các hình lõa thể và bộ phận sinh dục,
vì lúc đó việc thờ các dâm hình này rất phổ biến. Năm 1951, Giáo Hội
Tăng Già Nam Việt thành lập Hội Phật Học, đã phát động chiến dịch bài
trừ mê tín dị đoan trong Phật Giáo như xin xăm, bói quẻ, cúng sao, cúng
hạn, đốt giấy tiền vàng bạc, v.v... Khi bàn về những mê tín dị đoan của đạo
Phật thời nhà Lý, Nguyễn Lang đã kết luận :
"Tính chất mê tín dị đoan của Phật Giáo đời Lý có thể còn ít hơn tính chất
mê tín dị đoan ở những thời đại Phật Giáo suy đồi như trong thời Lê Sơ và
trong thời Pháp thuộc."(12)
Nhưng Phật Giáo không phải chỉ bị trộn lẫn với mê tín dị đoan và đạo thờ
thần ở trong nhân gian mà thôi, mà còn ờ ngay trong giới tăng sĩ của Phật
Giáo nữa. Trong cuốn Những Vấn Đề trong Đạo Phật, Thượng Tọa Thích