Sứ Quán Hà Nội ngày 11.1.1936, cũng đã cảnh cáo :
"Ai đem sự mê tín mà theo đạo Phật là người làm điều trái hẳn với đạo
Phật ... "(16)
Lão Giáo đi vào quần chúng không phải do triết lý cao siêu của Lão Tử mà
do các biến thể mà đệ tử của ông thêm vào. Cũng vậy, ít ai hiểu được triết
lý cao siêu của đạo Phật. Nếu không có sự lẫn lộn giữa Phật Giáo với
những mê tín dị đoan và Lão Giáo, làm sao Phật Giáo có thể trở thành đạo
quần chúng như ngày nay ? Ngay cao tăng Vạn Hạnh còn xử dụng cả sấm
ngữ và khoa độn số, làm sao Phật tử không hướng về mê tín dị đoan, Lão
Giáo và Khổng Giáo?
Lichtenberg đã nói : "Để cho quần chúng thích tôn giáo, điều tối cần là tôn
giáo phải giữ lại những cái gì của thị hiếu dị đoan." Nhưng nếu gom tất cả
số người Việt Nam theo Tam Giáo hòa đồng và mê tín dị đoan vào con số
Phật tử có nghĩa là chấp nhận sự biến thể của đạo Phật.
Con số thống kê về số tín đồ của mỗi tôn giáo tại Việt Nam hiện nay với
những ghi chú mà cuốn niên giám The Almanac of The Christian World đã
công bố là một tài liệu đáng chú ý. Tài liệu thống kê đó đã coi những người
vừa tin ở triết lý của đạo Phật, vừa theo Khổng Giáo, vừa tin thần linh và
phù thủy, là Phật tử. Nhưng thử hỏi, một người sáng đi chùa niệm Phật,
trưa vào Lăng Ông xin xăm, chiều thắp nhang trong miếu cầu xin ngày mai
thượng lộ được bình an và tối đưa con tới thầy phù thủy nhờ chữa bệnh,
người đó đã theo tôn giáo nào ? Họ là Phật tử ?
Trong cuốn No More Vietnams, Cựu Tổng Thống Richard Nixon nói rằng
người ta ước lượng số tín đồ Phật Giáo là 70%, nhưng con số thật sự chỉ
khoảng 30%.(17) Nếu cơ quan tình báo Hoa Kỳ chỉ ước lượng căn cứ vào
số người theo Phật Giáo thuần túy thì con số đó có lẽ không sai.
Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã từng cho biết số người khai là Phật
Giáo trong thẻ Chứng Minh Nhân Dân (tức thẻ căn cước) rất ít so với số
người khai không tôn giáo hay đạo ông bà. Trái lại, các tín đồ Thiên Chúa
Giáo, Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo thường khai rõ tôn giáo của họ.
Tự tuyên xưng tín ngưỡng trước bạo quyền Cộng Sản là biểu hiện
chính xác nhất tín ngưỡng của mỗi người dân.