trước đó. Những đoạn phim thời sự về các trận ném bom của phát xít Đức
vào Ba Lan, Stukas giết hại những gia đình tị nạn và những đứa trẻ trên
đường phố, phá huỷ toàn bộ trung tâm thành phố Rotterdam, và đặc biệt là
cuộc oanh tạc chớp nhoáng vào London đã làm cho tôi thấy rõ bản chất của
chủ nghĩa Quốc xã. Không thể là gì khác, không chỉ là sự xâm lược của
Đức, những cuộc tấn công bất ngờ, dữ dội, sự hành hạ người Do Thái trước
chiến tranh (Tôi không biết gì về kế hoạch huỷ diệt trong chiến tranh), tất
cả dường như rất rõ ràng đó là một tội ác, khi người ta cố tình ném bom
vào phụ nữ và trẻ em. Đấy là không kể tới những trại tập trung mà tôi từng
biết sẽ sẵn sàng nhấn chìm cả gia đình tôi nếu chúng tôi ở Đức. (Mặc dù
cha mẹ tôi sinh ra ở Mỹ, lớn lên ở Denver trong các gia đình không theo
tôn giáo, ông bà nội, ngoại của tôi đều là người Do Thái di cư từ Nga sang
vào cuối những năm 1880. Mẹ tôi đã trở thành một người Khoa học Thiên
Chúa trước khi lấy cha tôi, một người goá vợ mà bà biết khi ông còn trẻ ở
Denver, cha tôi hết lòng khích lệ bà theo tôn giáo đó trước khi sinh ra tôi.
Có lần cha tôi nói với tôi, chúng ta vẫn là người Do Thái, cho dù "không
theo tôn giáo nào". Tôi đã lớn lên như là một người theo Thiên Chúa giáo,
trong một gia đình hoàn toàn mộ đạo theo Thiên Chúa dòng Sience, nhưng
điều đó cũng không làm chúng tôi mất đi cái gốc của người Do Thái trong
con mắt của cha mẹ tôi, hoặc như tôi biết, là trong con mắt của bọn Quốc
xã).
Ở trường tiểu học, sau vụ Trân Châu Cảng, chúng tôi đã học những bài về
không kích. Một hôm thầy giáo cho chúng tôi xem một bộ phim về cuộc
oanh tạc chớp nhoáng vào London và giới thiệu cho chúng tôi mẫu của một
quả bom có ngòi nổ ngắn, mảnh, ánh bạc được sử dụng để khởi động và
phát lửa. Chúng tôi được thầy giáo cho biết đây là một quả bom từ trường,
khi cháy, nước cũng không dập tắt được. Phải dùng cát để dập tắt nhằm giữ
cho ôxy không lọt được vào bên trong. Mỗi phòng học trong trường đều có
một thùng lớn đầy cát để đề phòng loại bom này.