Tôi nhớ mang máng là có hai nhóm cảnh sát đến để hỏi về hệ thống báo
động. Hai năm sau, khi Lynda xuất hiện trước bồi thẩm đoàn, uỷ viên công
tố khăng khăng hỏi cô ta ngày chính xác cô ta có mặt khi tôi đang nhân bản
tài liệu. Cô ta nói "Ông có thể biết được điều đó từ hồ sơ của đồn cảnh sát
về số lần hệ thống báo động ngừng hoạt động". Uỷ viên công tố nói:
"Lynda, cô có nhớ là cô bật hệ thống báo động bao nhiêu lần trong năm
đó?". "Khoảng 17 lần".
Chính lần đầu tiên cảnh sát đến một vài đêm trước đã khiến tôi nảy ra ý
định cắt các dòng chữ tối mật trên các trang giấy.
Những dòng chữ này được in đậm bằng mực phía trên và phía dưới trang
giấy. Từ phía bên kia phòng bạn cũng có thể nhìn thấy dòng chữ đó. Tôi
biết đối với những ai không quen nhìn những dòng chữ đó thì hiệu quả thật
đáng giật mình. Tôi còn nhớ cảm giác lần đầu tiên nhìn thấy dòng chữ "tối
mật" mà đáng nhẽ ra tôi không được nhìn thấy, một bản kế hoạch chiến
tranh mà một đại tá đã đưa cho tôi dưới tầng hầm của Lầu Năm Góc. Tim
tôi đập nhanh, hơi thở gấp, cảm giác như có ai đang theo dõi tôi. Bây giờ,
mặc dù tôi đã che dòng chữ "tuyệt mật" đi kịp thời không để cảnh sát nhìn
thấy, nhưng sau khi họ đi, tôi nhìn lại nó từ nơi họ đã đứng.
Sự cố này khiến tôi nhận thức được một điều rằng toàn bộ quá trình nhân
bản tài liệu có thể bị cảnh sát hay FBI phát hiện bất kỳ lúc nào trước khi tôi
kịp công bố tài liệu. Họ sẽ tịch thu tất cả các trang tài liệu mà họ tìm thấy
với tôi và bất kỳ trang tài liệu nào mà họ tìm thấy. Do vậy điều quan trọng
là phải sao chụp đủ số bản cần thiết và giấu chúng tại những nơi khác nhau,
để cho họ không thể tìm thấy tất cả các bản. Sau đó từ trong tù, bằng cách
nào đó tôi sẽ nhắn tin ra. Người này sẽ thu thập đủ các bản tài liệu và đem