bản chất chính sách của Nixon với một nhóm nhỏ những người tham gia,
trong đó có Osborne Elliott, biên tập viên của tờ Tuần tin tức. Tôi nói về
khả năng bước tiếp theo ít nhất sẽ là tấn công Lào, và tệ nhất có thể là tấn
công phía Nam của Bắc Việt Nam. Elliott tỏ ra đặc biệt hoài nghi. Anh nói
rằng những nhà báo của Tuần tin tức không thấy có bất kỳ dấu hiệu nào,
dưới bất kỳ hình thức nào, cho thấy những hành động đe doạ leo thang như
vậy. Nhưng trong giờ nghỉ giải lao phiên buổi sáng, anh đã đến gặp tôi và
nói: "Ellsberg, có lẽ có điều gì đó trong những điều anh vừa nói. Tôi đã gọi
cho văn phòng của tôi ở New York. Họ vừa nghe bộ phận của chúng tôi ở
Sài Gòn thông báo là người ta đã cấm hoàn toàn việc đưa thông tin từ Nam
Việt Nam ra bên ngoài. Có điều gì đó bất thường đang diễn ra".
Ngày hôm sau, tin tức phát ra cho biết Quân đội Việt Nam cộng hoà đã xâm
lược Lào với sự hỗ trợ chiến đấu của quân Mỹ. Hoá ra là ngay lúc
Kissinger còn đang nói với chúng tôi rằng: "Chúng tôi đang xuống thang
chiến tranh ở Việt Nam và tôi có thể bảo đảm với bạn rằng chiến tranh sẽ
tiếp tục giảm cường độ" thì các cuộc ném bom ở Lào đã bắt đầu. Sau khi
bớt chút thời gian vốn đã eo hẹp để đưa ra sự bảo đảm này với một số
lượng nhỏ những khán giả thượng lưu ở Massachusetts, ông ta đã bay ngay
về Washington để theo dõi chiến dịch tấn công này. Hẳn ông ta đã thức
trắng cả đêm.
Từ hội thảo ở MIT trở về, khi mà cuộc tấn công ở Lào đang ở mức ác liệt
nhất (dù lúc này Quân đội VNCH chưa bị đánh bại), tôi cho ra một bài
phân tích và phê phán chính sách của Nixon theo cách hiểu của tôi. Tôi viết
tên bài là "Lào: Vấn đề Nixon phải phụ thuộc", nhưng biên tập viên của
chuyên san "Điểm sách New York" lại chuyển thành "Giết chóc ở Lào". Ba
tháng sau, Kissinger ám chỉ tới tên bài này ở Phòng Bầu dục để làm chứng
cho sự thiên lệch của tôi kể từ khi ông ta biết tôi năm 1968. Vào ngày 17-6-
1971, bỏ qua những lần tham vấn với tôi vào năm 1969 và 1970, ông ta đã
nói với Tổng thống, Ehrlichman và Halderman rằng tôi đã cáo buộc ông ta