chính phủ liên bang và chính quyền bang đối với các phát hành báo chí và
sách. Bộ Tư pháp của chính quyền Nixon đang tiến hành một thử nghiệm
có tính tiên phong, yêu cầu các toà án liên bang vi phạm hoặc phót lờ Hiến
pháp hoặc trên thực tế bác bỏ Điều khoản Bổ sung lần thứ nhất. Đó quả thật
là sự khẳng định dũng cảm nhất trong Chiến tranh lạnh rằng "an ninh quốc
gia" vượt trên các đảm bảo của hiến pháp về Tuyên ngôn nhân quyền.
Tôi nhận được một cú điện thoại từ Dunn Gifford, một người bạn của Neil
Sheehan mà tôi gặp tháng trước. Khi đó ông ta nói với tôi rằng Neil đã hỏi
ông, với tư cách của một cựu sĩ quan tình báo hải quân, liệu công bố những
bức điện tín, dạng điện tín có trong tài liệu nghiên cứu, có làm tổn thương
hệ thống mật mã của Mỹ không. Ông trả lời, một cách chính xác, là không.
Với việc kể lại câu chuyện đó, ông ngầm lưu ý rằng tôi nên biết Neil có
những nguyên tắc riêng với tư cách là một nhà báo, không phải hành động
theo cách nghĩ của tôi.
Trong cuộc điện thoại sáng thứ ba, Gifford nhắc lại cảnh báo trước đó bằng
cách giục tôi cung cấp hồ sơ cho tờ Bưu điện Washington, khi mà hiện nay,
Thời báo New York bị cấm không được tiếp tục xuất bản. Ý tưởng này chưa
từng xuất hiện trong đầu tôi, và câu trả lời tức thì của tôi là: "Tôi sẽ không
làm như vậy". Ngay buổi tối hôm thứ bảy, khi đọc kỳ đầu câu chuyện đăng
trên tờ Thời báo New York, tôi không còn bực tức Neil và Toà soạn vì đã
không thông báo gì cho tôi trong vòng ba tháng. Khi nhìn cách họ đã xử lý
vấn đề và ảnh hưởng mà họ có được, tôi không cảm thấy gì khác ngoài sự
hài lòng với những gì họ đã làm. Tôi ý thức được nghĩa vụ đối với Neil và
tờ Thời báo, dù rằng họ quyết định giữ khoảng cách với tôi.
Dường như chắc chắn rằng Neil hay tờ Thời báo New York, hoặc cả hai, sẽ
đoạt giải Pulitzer, mà họ xứng đáng nhận được.