Cam kết và nguy cơ họ sẽ phải gánh chịu trong việc quyết định công bố tài
liệu đã rõ ràng. Xem xét lệnh cấm "vô tiền khoáng hậu" đó, khả năng họ bị
truy tố hình sự là không nhỏ. (Trên thực tế, Bộ Tư pháp đang ráo riết chuẩn
bị xử lý vụ việc này, dự định ngay sau phiên toà xét xử tôi). Có thể Neil và
tờ Thời báo đã không đối xử với tôi như một đối tác, nhưng tôi khâm phục
sự can đảm của họ, biết ơn họ với tư cách là một công dân và một nhà hoạt
động.
Mặt khác, tôi phải suy nghĩ nghiêm túc lời cảnh báo của Gifford rằng toàn
bộ tiến trình sẽ bị dừng lại vĩnh viễn trừ phi tôi thúc đẩy nó. Nhờ có quyết
định của chính quyền coi vụ việc này như một cuộc khủng hoảng tầm cỡ
quốc gia để biện minh cho các nỗ lực kiểm duyệt báo chí "vô tiền khoáng
hậu", nội dung của tập hồ sơ đã thu hút được sự chú ý với mức độ đáng
ngạc nhiên từ phía dư luận. Độc giả của các tờ báo mong muốn tìm hiểu
diễn biến nào khiến cho chính quyền hoảng sợ và buộc phải mạnh tay như
vậy. Tôi luôn tin rằng, tác động tổng thể của câu chuyện này phụ thuộc vào
phạm vi lịch sử được phơi bày. Tác động mạnh mẽ không phải từ sự tiết lộ
bí mật của bất kỳ trang giấy nào, một tập hồ sơ nào hay một cá nhân nào.
Điều gây choáng váng tột bực là sự ngoan cố và bản chất của các hình mẫu
lừa lọc, liều lĩnh và chủ nghĩa hoài nghi.
Công bố điều đó với bất kỳ một độc giả nào hoặc cả đất nước, độ dư chấn
sẽ mạnh hơn rất nhiều.
Ba kỳ đầu công bố trên tờ Thời báo đề cập đến chính quyền Johnson nhưng
một đoạn "châm biếm" trong bài báo ngày thứ ba cho thấy bài báo kỳ tới sẽ
tập trung vào Eishenhower. Tôi không muốn tiến trình lịch sử sẽ bị cắt cụt
ở đây. Càng cân nhắc về khả năng này, đề nghị của Gifford càng lôi cuốn
tôi. Tờ Thời báo đã xem xét việc in ấn nhật báo sáng thứ tư với một loạt
các trang trắng thay vì cho đăng kỳ tới của câu chuyện như kế hoạch.
Khoảng trống không chữ với nguyên nhân là lệnh cấm của chính phủ có thể