nay, bà không có con, bà sống tại nhà riêng ở phố chợ Nông trại. Nếu có ai
hỏi bà làm nghề gì, thì bà sẽ trả lời là đi viếng các đám tang.
Bà Ruska len qua đám đông để đến sát tận quan tài. Bà là người phụ nữ
ở tuổi năm mươi, có vóc người to lớn và độ cao trên trung bình. Trên vai bà
là chiếc khăn lụa màu đen. Cái mũ đen có viền dải lụa màu xanh lá cây nhạt
đội trên đầu làm nổi lên khuôn mặt tròn trịa và trung thực của bà. Cặp mắt
màu nâu của bà nhìn vào mặt người quá cố. Mặt bà rúm lại, mếu máo, hai
dòng nước mắt tuôn ra. Bà nức nở khóc.
Bà Ruska lau nhanh mắt và miệng bằng một chiếc khăn màu trắng. Rồi
bà quay sang phải sang trái nhìn những người phụ nữ đứng quanh. Phía bên
tay trái là bà hàng nến Hirtová. Bà ấy đang tụng kinh theo Kinh Thánh. Phía
bên tay phải là một người phụ nữ ăn mặc lịch sự, nhưng bà Ruska không
biết người ấy. Nếu là người Praha thì người phụ nữ ấy chắc hẳn phải sống ở
nơi nào đó bên kia sông. Bà lên tiếng nói với người phụ nữ ấy, tất nhiên là
nói bằng tiếng Đức, bởi lẽ về phương diện dân tộc mà nói thì thời đó Malá
Strana thực sự là Praha cánh tả.
“Xin trời phù hộ cho ông ấy,” bà Ruska nói, “ông ấy nằm đây mà vẫn
mỉm cười như người còn sống vậy,” bà lại lau nước mắt. “Ông ấy ra đi, bỏ
lại chúng ta ở đây... bỏ lại cái giàu có ở đây... cái chết thật bất công, vâng,
thật bất công.”
Người phụ nữ lạ mặt không trả lời.
“Có một lần tôi đến một đám tang người Do Thái,” bà Ruska lại thầm
thì, “nhưng tôi thấy họ làm rất dở. Họ che tất cả mọi cái gương, nghe bảo để
dù từ góc nào cũng không ai trông thấy được người chết. Nhưng làm như thế
này tốt hơn, người quá cố nằm trong quan tài, nhìn từ phía nào cũng thấy
được - tôi đoán là cái quan tài này phải có giá ít nhất hai mươi zlatý, đẹp
quá! Nhưng ông ấy xứng đáng có cái quan tài như thế, nhìn qua gương mà
cũng thấy như là ông ấy đang cười với chúng ta. Cái chết chẳng làm ông ấy
thay đổi gì, họa chăng làm ông xanh xao đi một chút thôi... nhưng trông ông
ấy vẫn như lúc còn sống, phải không bà?”