Kejřík thì chạy ra chạy vào; với vẻ mặt rạng rỡ, lúc đầu ông báo tin: “Rất có
nhiều khả năng!”, sau đó lại bảo: “Chính tôi cũng thấy mạch đập rồi. Bác sĩ
quả là người thần!”. Rồi ông cuống quýt kêu: “Thở được rồi! Thở được rồi!”
và chạy vội ra xe ngựa để đi báo tin vui cho bà Schepelerová.
Cuối cùng, mãi đến khoảng 10 giờ tối, người ta khênh một cái cáng
trùm kín ra khỏi quán Vápenice. Bác sĩ Heribert và ông Kejřík đi một bên,
viên cảnh sát đi phía bên kia.
Tất cả mọi quán ăn ở Malá Strana đều đông chật người đến tận quá nửa
đêm. Người ta không nói về cái gì khác ngoài chuyện ông Schepeler sống lại
và về bác sĩ Heribert, người ta bàn tán chuyện trò rất hào hứng.
“Ông ấy biết nhiều hơn cả sách vở!”
“Cứ chỉ nhìn ông ấy là đủ thấy! Cha ông ấy vốn đã là bác sĩ giỏi đấy!
Cha truyền con nối mà!”
“Ông ấy không muốn chữa bệnh à? Tất nhiên là ông ấy phải là bác sĩ
rất đắt!”
“Chắc là ông ấy có tiền, thế đấy thôi!”
“Tại sao mà người ta lại gọi ông ấy là bác sĩ Hại đời nhỉ?”
“Hại đời ư? Tôi chẳng nghe thấy bao giờ.”
“Hôm nay tôi nghe thấy có đến hàng trăm lần”...
Hai tháng sau, ông Schepeler lại đi làm ở công sở như trước. “Ở trên
kia có ông trời, ở dưới đất này có bác sĩ Heribert!” Ông nói vậy. Có lúc ông
lại bảo “Anh Kejřík là vàng!”
Cả thành phố nói về bác sĩ Heribert. Chắc hẳn báo chí ở khắp nơi trên
thế giới cũng đều viết về ông. Tất nhiên là cả khu Malá Strana tự hào hãnh
diện vì ông. Người ta kể cho nhau nghe nhiều chuyện lạ. Nào là các công
tước, bá tước, các nhà quý tộc quyền quý, ai ai cũng muốn mời bác sĩ
Heribert làm bác sĩ riêng cho mình. Nào là nhà vua Ý đã dự tính thuê bác sĩ
bằng một khoản tiền lớn chưa từng thấy. Nói chung, những người tha thiết