“Còn tôi với bà chủ quán sẽ tắm rửa rồi mặc váy áo cho bà Žanýnka.
Nghĩa tử là nghĩa tận!”
“Vâng, các bà tốt quá!” Ông luật sư khen họ. “Thôi, tôi phải đi đây!”
“Để tôi đi cùng với ông.” Ông chủ nhà nói.
Rồi cả hai người đàn ông cùng đi.
“Bây giờ bà đang làm gì vậy?” Bà chủ quán hỏi bà Bavorová.
“Tôi đang nghĩ đến cả thế giới.”
“Bà lại mơ thấy cái gì thế?” Bà chủ quán hỏi tiếp. “Bà đã định kể về...”
“À, vâng! Giấc mơ ấy rất đẹp! Tôi mơ thấy cha tôi về, xin trời tha tội
cho cha tôi, mồ yên mả đẹp cũng được hơn hai mươi năm nay rồi. Mẹ tôi bỏ
đi trước, cha tôi nhớ thương ngày nào cũng ra mộ, rồi mất, nhưng ra đi rất
nhẹ nhàng. Cha mẹ tôi thương yêu nhau lắm. Trong mơ, tôi nhìn thấy cha
mẹ khóc thương chúng tôi, ngày ấy đang có chiến tranh Napoléon, chẳng có
gì cho chúng tôi ăn cả.”
“Cụ ông tên là gì?”
“Cha tôi tên là Nepomucký, vì ngày lễ tên thánh của cha tôi là ngày 16,
vậy sẽ là số 16. Tự nhiên tôi thấy cha tôi, cả người trắng bệch, đứng trước
mặt tôi ở trong cửa hàng. Tôi định hỏi, ‘Bố đi đâu mà ở đây?’, cha tôi đưa
cho tôi cả một ôm đầy bánh nướng - tức là số hai mươi ba, con số may mắn -
rồi bảo tôi: ‘Người ta chiêu lính, bố phải đi!’ Mục chiêu lính có con số tám,
nghĩa là sự vui vẻ. Sau đó bố tôi quay ngược ra ngoài và đi mất.”
“Thế thì phải là số sáu mươi mốt, chứ không phải mười sáu, khi mà
ông cụ quay ngược ra!”
“Ừ nhỉ, thế mà tôi không nghĩ ra! Vậy thì các con số sẽ là 61, 23 và 8.”
“Giấc mơ rõ ràng như thế thì ta mua số đề cả năm mươi krejcar
nhỉ?”
“Ừ, cũng được.”