“Ấy, vì ở bệnh viện tâm thần chắc là phải nhiều cái vui lắm. Bác sĩ hãy
kể cho chúng tôi nghe chuyện gì đi!”
Thế là tôi lại bị gạt sang một bên. Giá mà ông Provazník có ở đây!
Nhưng tôi thấy anh Jensen đang có vẻ hơi lúng túng và tôi lấy làm phấn
khởi. Anh ấy nói về cái khác nhau giữa người mắc bệnh điên và người mắc
bệnh u buồn, nhưng không ai thấy thích. Họ muốn nghe kể về những người
mang bệnh thần kinh “nghĩ về mình”, thí dụ chuyện người đàn ông nghĩ
rằng mình là hoàng đế La Mã, hay người đàn bà cho rằng mình là Đức mẹ
Đồng trinh Maria. Nhưng bác sĩ Jensen không làm vừa ý họ, vì anh ấy tiếp
tục nói một cách khoa học, rồi anh ấy khẳng định là “hầu như người nào
cũng mang trong mình một chút bệnh tâm thần”. Mọi người thấy phẫn nộ,
riêng ông chủ nhà thì bình thản gật gù và nói: “Nhiều người khi khỏe mạnh
không biết là mình có gì.”
Cuối cùng, bác sĩ Jensen chia tay và nói là sẽ lại đến sớm. Tôi nghĩ
thầm: cậu hãy làm thế nào để khỏi đến muộn!
Ngày hôm nay, ông Provazník không xuống vườn với chúng tôi.
Sau khi bác sĩ Jensen đi khỏi, mọi người còn nói lâu, nói quá lâu, về
anh ấy. Cô Otylie ghé sang tôi, nói thầm:
“Tôi sợ anh ấy.”
Tôi trả lời: “Cách xử sự khôn khéo tự nhiên nhiều khi là một điều tuyệt
vời.”
Ông Klikeš nói hùn mãi vào cho anh Sempr. Ông chủ quán cúi sát đầu
vào họ. Ông ấy khục khặc ho và cứ nhìn ông Klikeš như muốn nuốt chửng
ông ta.
Mới chín giờ sáng mà bác sĩ Jensen đã đến đây rồi. Anh ấy nhìn ra
vườn, nhìn suốt hành lang và ít nhất là ba lần anh ấy ngắm nghía rất lâu
trước gương. Anh ấy hỏi tôi có ai ra vườn buổi sáng sớm không. Tôi trả lời
nhát gừng: “Không!” Cuối cùng anh ấy hỏi có làm phiền tôi không. Tôi nói