thật sự đã đến lúc tôi phải chăm chỉ học. Thế là anh ấy ra về với vẻ mặt cau
có. Mặc kệ!
Buổi trưa, họa sĩ đến hỏi vay tôi một chiếc phong bì thư. Bây giờ tôi
nhìn qua cửa sổ sang bên nhà anh ấy. Chị vợ và cậu con trai đứng cạnh bàn
xem anh ấy ghi địa chỉ.
Anh họa sĩ đi đi lại lại trong phòng, tay cầm bức thư và thỉnh thoảng lại
dừng lại để đăm chiêu ngắm nghía thành quả lao động trí óc của mình. Chắc
là anh ấy cảm thấy tự hào.
Buổi chiều, tôi là người ra vườn đầu tiên. Tôi tưởng như thời gian chờ
mọi người xuống vườn là vô tận.
Mãi một tiếng đồng hồ sau, ông chủ nhà và cô Otylie mới ra vườn. Ông
chủ nhà bàn chuyện chính trị với tôi. Ông ấy nhanh chóng đi đến kết luận,
rằng tất cả mọi sự đều bắt nguồn từ chỗ là các nhà vua “không bao giờ bằng
lòng với những gì họ có.” Tôi nhiệt liệt tán thành. Ông ấy còn nói thêm
nhiều câu ngạn ngữ của mình nữa và tôi thán phục tất cả. Rồi tôi và Otylie
nói chuyện thân mật riêng tư với nhau. Có trời biết tại sao tự nhiên câu
chuyện lại xoay quanh đức hạnh của tôi. Cô Otylie nhiệt tình khen phẩm
hạnh của tôi và cô ấy cứ nói mãi không thôi về tôi. Cô gái ấy tìm ở đâu ra
đức hạnh của tôi nhỉ?
Vợ chồng họa sĩ đến. Anh chồng với bộ mặt thỏa mãn, tỏ vẻ gần như
chiến thắng. Chị vợ lại có cái lưỡi sắc như dao.
“Thư viết xong rồi ư?” Tôi hỏi.
“Ồ, tất nhiên rồi,” họa sĩ trả lời, làm như là đối với anh ấy, việc giải
quyết thư từ cho cả châu Âu là chuyện trò chơi, chỉ cần nửa ngày là xong.
“Đáng lẽ anh phải viết thêm về cô Wilhemová,” chị vợ vừa nói vừa
cười, “các cha cố thích những chuyện như thế!”
Cô Wilhemová có chuyện gì mà đáng lẽ anh họa sĩ phải viết nhỉ?