tội của hung thủ, nhìn rõ mặt những kẻ tuy không trực tiếp nhúng tay vào
tội ác, nhưng lại tạo cho tội ác một môi trường sinh sống thuận lợi, làm
sáng tỏ những nguyên nhân xã hội của tội ác và bọn thủ phạm cùng những
kẻ tòng phạm. Đó là những vấn đề đạo lý nghiêm túc mà nhà văn cần khảo
cứu. Hơn nữa, bản chất của thể loại trinh thám vẫn mở ra cho nhà văn
những cơ hội hết sức thuận lợi. Chính vì thám tử hoặc nhà dự thẩm, hoặc
một loại người rất hay gặp trong văn chương phương Tây dưới danh hiệu
thám tử tư—nhân vật chính tất yếu của bất cứ cuốn sách trinh thám nào —
trong tiến trình truy tìm hung thủ, tất phải chạm trán với đủ mọi tầng lớp xã
hội; khi thì sục xuống dưới đáy xã hội để nghe những lời bộc bạch buồn
lòng của một gã lang thang, khi thì đi sâu vào những nghịch cảnh bi đát của
một viên kí lục quèn bị mất chỗ làm và do đó, cũng mất luôn cả mọi sinh
kế. Anh ta cũng phải chạm trán cả với cái môi trường đầy rẫy những tính
toán tỉnh táo và những mối hằn thù được che đậy dưới những nụ cười giả
tạo, ngự trị trong các tầng lớp thượng lưu, trong khi đi tìm nguyên nhân của
một vụ án mạng rối rắm thường tình, và bỗng dưng phải chứng kiến một
cảnh tượng đáng ghê tởm: «bị máu tham làm cho mờ mắt», những kẻ thừa
kế cứ mê mải với những món lợi lộc do phần gia tài vừa được hưởng mang
lại, mà chẳng hề ngượng ngùng một mảy may nào với cái thi hài còn chưa
kịp nguội lạnh của người quá cố đang nằm chơ chỏng ở phòng bên. Có thể
có đầy đủ cơ sở để nêu ra đây như một dẫn chứng sáng chói về truyện trinh
thám đậm đà tính chất xã hội: những thiên tiểu thuyết của hai nhà văn Thụy
Điển tài hoa là Per Valiê và Mai Sêval. Nhân thể cần nói thêm rằng ngay tại
Thụy Điển, sự nghiệp của hai ông hiện được không ít người kế tục: trong
các tác phẩm của mình, họ cũng vạch trần không thương tiếc sự bất công
của xã hội tư sản hiện đại.
Yếu tố xã hội trong truyện trinh thám nhiều khi bộc lộ rất rõ nét, bất
chấp ý muốn của người viết. Tuy không tự đặt cho mình nhiệm vụ bóc trần
những thói hư tật xấu của cái xã hội trong đó nhân vật hành động, anh ta
vẫn tình cờ phô bày ra tất cả, nếu trong thâm tâm, nhà văn không cố tình
nhắm mắt đeo đuổi những mục đích trái ngược, vì tội ác tự thân nó vốn là
một hiện tượng xã hội.