Cả hai trường hợp trên bạn có cùng một cách xử sự để lấy lại sự quân bình
cho không khí lúc đó; nụ cười đằm thắm và ôn hòa!
Không ngày nào ta không thấy nụ cười của người chung quanh, nhưng nụ
cười hồn nhiên, nhẹ nhàng chỉ có được ở những con người nhân hậu vô tư,
nên tránh những tiếng cười "hô hô", vì nó biểu lộ tánh tự mãn, đắc thắng.
Nụ cười ấy dành riêng cho các vị tướng quân thời cổ, hoặc dành cho những
buổi tiệc của đám cường hào, hải tặc...
Bạn có thể khó tính, nhưng đừng tưởng kẻ khó tính không có nụ cười dễ
dãi.
Cần một nụ cười đó không khó đâu. Trước nhất bạn nên tạo một nụ cười
trong gia đình. Mỗi buổi sáng trước khi bước xuống giường, bạn chịu khó
suy nghĩ một câu nói đùa (dù lúc đó gia đình không có tiền ăn điểm tâm)
cho người thân như vợ con, hoặc cha mẹ, hoặc anh chị em. Làm hiền làm
lành với người thân đâu có gì xấu hổ? Tại bạn chưa quen đó thôi. Không
riêng gì người phương Tây có câu chúc vào mỗi buổi sáng, mà từ ngàn xưa
người Đông phương cũng có phong tục đó. Câu "Thần tĩnh mộ khan" (sớm
thăm, tối viếng) không hẳn chỉ bổn phận con cái đối với cha mẹ, anh chị
em trong gia đình cũng thăm hỏi được vậy. Đây, chúng ta tập lấy những nụ
cười trong sáng, thư thái, hỷ xả.
Nếu bạn hỏi: "Sao các nhà sư ít cười họ lại nhiều tín đồ". Đó là một trường
hợp khác. Đạo hạnh của những vị ấy trang nghiêm. Họ không cười ra tiếng,
nhưng họ cười qua ánh mắt, qua thần thái, qua tấm lòng hoan hỷ. Sự ung
dung và độ lượng là nụ cười của họ.
Vui tính là một cách cười. Khôi hài là cách làm cho người khác vui và cười.
Trong tuồng cải lương hay hát bộ cũng có vai mấy anh hề. Vai trò của họ
không liên hệ gì với tuồng, nhưng rất quan trọng đối với thính giả. Một nụ
cười tươi nhiều khi đáng giá tỷ tiền. Đọc truyện cổ Trung Quốc, chúng ta
không quên nụ cười của Bao Tự. Và những câu: "Nhất tiếu thiên kim",
"Nhất tiếu khuynh thành"... Không phải nụ cười của người đẹp mới giá trị.
Lại có một chuyện khó quên. Hồi ấy bạn tôi tham dự giải vô địch quyền tự
do hạng nặng. Bạn tôi sở trường về môn Aikido. - Aikido mà đi đấu với
Vovinam, Thái cực đạo, Thiếu lâm... cầm bằng "bầm dập như chơi".