Giọng nói của Selim Baruch đầy uy lực nên được tuân theo tức khắc. Người
dẫn đường nhận cây cờ mới tạo nên đó, đi lên trước và cả đoàn rùng rùng kéo
theo anh ta.
Trong khoảnh khắc, người ta đã nhận thấy ý kiến của Baruch mang lại hiệu
quả ngay. Nhìn thấy lá cờ xanh, bọn kỵ mã khả nghi, quay ngựa phóng đi và mất
hút trong khoảng xa. Bốn thương gia kinh ngạc. Achmet ngắm Selim Baruch rồi
hỏi:
– Hỡi vị khách lạ, ngài là ai vậy? Ngài có quyền lực gì ghê gớm mà chỉ với
một hành động đơn giản, ngài đã xua đuổi kẻ thù đi ngay và giải thoát cho chúng
tôi?
– Chao, có gì lạ lắm đâu! – Selim Baruch mỉm cười đáp. – Tôi thấy bọn kẻ
cướp bắt tôi đã làm như vậy thì tôi cũng làm theo chứ cũng chả hiểu cái cờ hiệu
kia có ý nghĩa gì!
Nào các vị! Chúng ta hãy lên đường đi thôi!
Đoàn lữ hành lại tiếp tục đi. Ai cũng thấy nhẹ cả người vì được bình an vô
sự sau khi đã tưởng phải liều đánh nhau với một kẻ địch đông đúc, dũng mãnh
đến thế. Họ vui vẻ vượt qua chặng đường này và khi dừng lại một lần nữa để ngủ
thì tính ra chỉ còn hai ngày nữa là vượt qua sa mạc.
Hôm sau, tờ mờ sáng, họ lại lên đường. Mãi đến khi khí trời trở nên quá
nóng bức thì họ mới dừng lại để nghỉ trưa.
Bốn thương gia cùng với Selim Baruch ngả lưng trên các gối tựa dưới bóng
mát của chiếc lều vải. Lần này, đến lượt Ali Sizah kể chuyện. Kể xong Ali Sizah
kết thúc:
– Thưa các ngài đó là câu chuyện độc nhất mà tôi biết: Chú lùn Mouck
Đoàn lữ hành lại lên đường và cuối cùng đã vượt qua sa mạc.
Các thương nhân khao khát cảnh cây lá xanh tươi từ bấy lâu nay, bây giờ
gặp lại thì reo mừng chào đón. Bước chân ngựa, chân lạc đà đều nhanh hẳn lên và
khi dừng lại buổi tối thì đoàn liền cắm lều trại ngay bên cạnh giếng Birket-el-
Had, cách Cairo chưa đầy ba giờ đường.
Selim Baruch nói với Achmet, thương gia cao tuổi nhất: