tồi tệ và xúc phạm thần nước. Hậu quả là xã hội hỗn loạn và nhiều người
bị bệnh. Họ tìm đến thần núi, ông này hiểu rõ sự sai lầm và nổi giận. Con
người bắt buộc phải bước vào hành trình tìm thuốc chữa bệnh. Trên mỏm
núi rất xa nọ, họ sẽ thấy một loài cây. Họ phải đem về và chế biến thành trà
để uống. Sự tha thứ và hàn gắn sẽ diễn ra, bóng tối sẽ bị xua đi”.
Thật lạ lùng là cốt truyện này vẫn được lưu giữ giữa lời truyền khẩu dân
gian và ký ức của con người Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc hôm
nay. Phải chăng nền giáo dục tân kỳ, văn minh khoa học và kỹ thuật số của
thế giới hiện đại đang nằm trên con đường tiệm cận hành vi “kiêu ngạo”.
Bài học tinh thần cổ điển dường như còn rất mới. Dọc dài thời gian và sự
phát triển của nhân loại từ quá khứ đến tương lai, áng văn xa xưa ấy mãi
mãi hàm mang giá trị nhân văn bất khả diệt và cần được suy tư nâng niu
[3]. Trước ngưỡng cảnh môi trường trái đất đang bị tàn phá nặng nề, xã hội
loài người xáo trộn bởi những căn bệnh vô tiền khoáng hậu như ung thư,
aids, chia rẽ, kỳ thị, khủng bố, giết người hàng loạt… câu chuyện kia phải
được xem như lời cảnh tỉnh chân thành. Kỳ vọng lắm cho tất cả chúng ta,
mỗi khi nâng chén trà lên môi thưởng thức, sẽ thấy áng văn bất hủ nọ sóng
sánh giữa tâm hồn, sẽ hình dung ra một con thuyền nan tròng trành dưới
đáy cốc đang chở Trương Chi và giọng hát ngọt ngào của chàng đến bến bờ
chân thiện.