Khi học giáo lý Đại thừa chúng ta thấy những chủ trương như “không có gì
sinh, không có gì diệt” có dính líu tới những chủ trương như “tam thế thật
hữu”, giống như các nhà khoa học hiện đại đã nói: “Không có gì sinh ra và
cũng không có gì mất đi!” (Rien ne se crée, rien ne se perd - Lavoisier).
Hữu Bộ tưởng tượng là sự vật của quá khứ đang đi về hiện tại, biểu hiện
thành hiện tại rồi sẽ đi về tương lai. Bản chất của chúng là có thật. Tuy
chúng ta chưa thấy tương lai, nhưng nó không phải không có, nó đang có
nhưng tại mình chưa thấy đó thôi. Nếu suy nghĩ kỹ thì chúng ta thấy điểm
này cũng có lý, không phải tương lai không có mà là tại nó chưa biểu hiện ra
thôi.
Chúng ta hãy tưởng tượng tương lai đi ngược về hiện tại (dòng thời gian
đi ngược). Tương lai, chúng ta chưa thấy, nhưng nó đang đi ngược về hiện
tại và khi đến hiện tại thì nó biểu hiện ra cho ta thấy. Sau khi đóng vai trò
của nó trong hiện tại thì nó sẽ đi về quá khứ.
Quá khứ, hiện tại và tương lai là những mô thức để những hình thái, bản
thể và sự vật biểu hiện. Ở tương lai nó biểu hiện cách khác và ở quá khứ nó
biểu hiện cách khác. Vì nó khác như thế nên chúng ta tưởng là nó không có,
kỳ thực quá khứ, hiện tại và tương lai luôn luôn cùng tồn tại. Khi nói tới vô
thường, vô ngã, chúng ta nói tới sự biểu hiện của nó trên phương diện hiện
tại, trong chiều sâu thì nó luôn luôn có.
Chúng ta cảm thấy như mình đang nói tới tích môn và bản môn. Sự vật,
đứng về phương diện bản môn thì chưa bao giờ không có. Pháp thân của Bụt
không phải không có trước khi Bụt giáng sinh ở Ca tỳ la vệ. Chúng ta cũng
không thể nói Pháp thân đó không có sau khi Bụt nhập diệt ở Câu thi na.
Bản chất của Đức Thế Tôn là không sinh không diệt, sinh diệt chẳng qua là
sự biểu hiện trong hiện tại, Đức Thế Tôn vốn có mặt trong quá khứ và trong
tương lai.
3. Nhất thiết pháp xứ giai thị sở tri, diệc sở thức, cập sở thông đạt.
Toàn thể pháp xứ là cái được thấy biết, được nhận thức và được thông
đạt.