ngàn năm đã chiếm phần thượng phong. Hiện nay chúng ta tìm thấy giống
dân Dravidian ở miền Nam Ấn nhiều hơn. Trong xã hội nông nghiệp ngày
xưa, có những tín ngưỡng nhân gian như bùa phép, bùa chú. Đạo Bụt cũng
tiếp thu những yếu tố đó cùng những yếu tố của Số Luận (Samkhya) trong
truyền thống Vệ Đà. Kinh Đại Niết Bàn (Parinirvanasutra) phát xuất từ kinh
Niết Bàn của Phật giáo Nguyên thỉ, trong đó có chứa đựng những tư tưởng
Đại thừa mà khi nghiên cứu, chúng ta thấy có cả những yếu tố của tuệ giác
Vệ Đà và Số Luận. Điều đó chứng tỏ Phật giáo luôn luôn mở lòng ra để tiếp
nhận những yếu tố không phải Phật giáo. Chúng ta đã Phật hóa những yếu tố
không Phật giáo.
Ở Việt Nam, đạo Bụt chấp nhận truyền thống thờ cúng tổ tiên. Truyền
thống thờ cúng tổ tiên đi đôi một cách diệu kỳ với sự thực tập đạo Bụt. Chắc
chắn chúng ta có khả năng tiếp thu những truyền thống tín ngưỡng của Tây
phương, chúng ta không thấy khó khăn khi chấp nhận Đức Kitô là một vị Bồ
tát, một vị Bụt của Tây phương. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận Santa Claus là
một vị Bồ tát của trẻ em, Santa Claus (ông già Noel) đã đem lại rất nhiều
hạnh phúc cho trẻ em. Chúng ta không có một sự kỳ thị nào, chúng ta luôn
luôn sẵn sàng đưa vào đạo Bụt những yếu tố không phải đạo Bụt. Công việc
đó đã bắt đầu từ 2500 năm nay. Ở Việt Nam, chúng ta có những tín ngưỡng
bình dân như ông Táo, ông Địa, bà Mẫu Thoải (nước), bà Chúa Thượng
Ngàn (rừng), ông Thiên Lôi, v.v... Đạo Bụt sẵn sàng tiếp nhận tất cả những
thần linh đó đi vào trong đạo Bụt, để họ cùng tu và cùng trở thành ra những
vị hộ pháp thiện thần.
Những chủ trương của Mật tông
Mật giáo nhân gian Ấn Độ
Mật giáo là một ngành của Phật giáo đã mở rộng vòng tay để tiếp nhận
những tín ngưỡng nhân gian của xã hội nông nghiệp, nhất là của xã hội nông
nghiệp cổ sơ Dravidian ở miền Nam Ấn Độ. Trong xã hội đó có những phù
chú, có những ấn quyết để trừ ma, trừ tà. Phật giáo đã tóm thâu và biến chế
chúng để làm thỏa mãn những nhu yếu của quần chúng quảng đại.