Vào thế kỷ thứ 7 và đầu thế kỷ thứ 8, giáo phái này rất thịnh hành ở miền
Bắc Ấn Độ và được quốc vương Gopala ủng hộ. Sau đó họ bị Hồi giáo xâm
chiếm và tiêu diệt. Mãi cho đến khi người Anh tới đô hộ Ấn Độ mà sự kiện
giết vật, giết người để tế lễ vẫn còn.
Những yếu tố đó đã tìm cách len lỏi đi vào trong đạo Bụt. Vì vậy ta thấy
có hai loại Mật giáo: Tạp mật và Thuần mật. Trước hết chúng ta phải tìm
hiểu giáo lý cơ bản của Mật giáo.
Giáo lý Không
Giáo lý căn bản của Mật tông là giáo lý Không (sunyata). Theo giáo lý
Không, tất cả biểu hiện trên bề mặt (thế giới hiện tượng) đều là giả, chỉ có tự
tánh Không là thật có. Đối với tất cả những biểu hiện-trên phương diện hiện
tượng - nếu nắm được tự tánh Không của chúng thì ta không còn sợ hãi, ta
chấp nhận được tất cả mọi cái dù đó là thiện hay ác, là tốt hay xấu.
Quan niệm pháp thân
Bắt đầu từ quan niệm về pháp thân, Mật giáo tin rằng thế giới này là sự
biểu hiện của Bụt. Nhìn vào con người chúng ta thấy có năm uẩn, nhìn vào
thế giới chúng ta thấy bản chất của thế giới là năm vị Bụt: Bụt Tỳ Lô Giá Na
(Vairochana), Bụt A Súc (Asobhya), Bụt Bảo Sinh (Ratnasambhava), Bụt A
Di Đà (Amitabha) và Bụt Bất Thành Tựu (Amoghasidhi). Năm vị Bụt này
được quan niệm khác với các vị Bụt thường. Những vị Bụt thường bắt đầu
từ người, những người tu tập từ kiếp này sang kiếp khác, từ hàng ngàn, hàng
triệu năm mới thành Bụt. Năm vị Bụt này đã có mặt ngay từ lúc ban đầu, đó
là nền tảng của thế giới. Bông hoa là sự biểu hiện của Bụt, cái bàn, đám
mây, người lớn, trẻ em đều là biểu hiện của Bụt. Quan niệm đó có dính líu
tới quan niệm “pháp thân thuyết pháp 24 giờ trong một ngày”. Trong năm vị
Bụt, người ta tìm một vị làm gốc gác cho cả năm vị, có khi đó là Bụt
Vairochana (Đại Nhật Như Lai), có khi người ta đặt ra một danh hiệu mới là
Abibuddha hay Bản Sơ Phật. Nhưng chủ yếu Mật giáo cho là thế giới chúng
ta đang tiếp xúc là sự biểu hiện của chư Bụt.
Ban đầu chúng ta đã có tư tưởng về Phật tánh, Phật tánh có mặt trong mỗi
con người và cũng có mặt trong con chó, trong đám mây, trong đất đá. Bây