Mật tông được truyền vào Trung Hoa vào thế kỷ thứ 7, sau đó được
truyền qua Nhật Bản, rồi truyền sang Việt Nam. Tả phái cũng đi được vào
trong đạo Bụt nhưng không sống được lâu vì có sự phản đối rất mạnh của
dân chúng ở Trung Hoa cũng như ở Nhật Bản và Việt Nam. Chỉ có Hữu phái
còn tiếp tục được và trở nên rất thịnh hành. Mật tông đi tới Việt Nam rất
sớm và trở thành quan trọng trong sự hành trì của chúng ta. Bí quyết của
Mật tông là làm thế nào để thân-khẩu-ý được hợp nhất và sự hợp nhất ấy thể
hiện sự giải thoát. Mỗi vị Bụt và Bồ tát có năng lượng vĩ đại của họ, nếu
chúng ta biết được chân ngôn chủng tử và có thể đồng nhất với những vị Bụt
và Bồ tát kia thì ta sẽ có năng lượng vô biên. Năng lượng vô biên của các vị
Bụt và Bồ tát mà ta tiếp xúc sẽ giải thoát cho chúng ta thật mau chóng. Đây
là quan niệm “Ta có thể thành Phật được ngay bây giờ và ở đây mà không
cần phải trải qua kiếp này tới kiếp khác.” Đó là sự tiếp nối của sự thực tập
nương vào tha lực để giải thoát. Trong tương lai chúng ta sẽ có cơ hội đi sâu
vào giáo lý Mật tông. Trong khóa tu này vì phải duyệt qua lịch sử tư tưởng
Phật giáo nên ta cần phải nói sơ lược qua về Mật tông mà thôi.
Những chủ trương của Làng Mai
Sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết bàn, tăng đoàn của Ngài tiếp tục đến
140 năm sau mới có sự phân phái. Tăng đoàn chia ra thành hai phái lớn là
Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ. Giữ cho tăng đoàn đi được như một dòng
sông trong vòng 140 năm đã là quá lâu và quá giỏi. Có những người trong
chúng ta nghĩ về sự phân phái là một triệu chứng tiêu cực. Nhưng khi xét lại
lịch sử chúng ta thấy sự phân phái rất cần thiết. Tăng đoàn phân ra làm hai
rồi cứ tiếp tục phân phái và cuối cùng trong mấy trăm năm thì đã có tới trên
dưới 20 bộ phái Phật giáo. Có những điểm các tông phái không đồng ý với
nhau, nhưng điều đó không phương hại gì đến sự thực tập. Lý do là sự phát
triển của những tư tưởng siêu hình học (metaphysics) có mục đích để giải
thích những giáo lý Nguyên thỉ. Chúng ta có nhu yếu rất lớn trong việc đi
tìm hiểu thêm về phương diện siêu hình của những lời Đức Thế Tôn giảng
dạy. Để thỏa mãn nhu yếu của quần chúng, các bộ phái phải tiếp tục phát
triển thêm sự tìm kiếm của mình và thiết lập ra những pháp môn tu học mới.